Bi kịch không thể trở về
Chuyện đời Sương của tác giả Suh Song Nan do NXB Phụ nữ ấn hành, là tiểu thuyết best seller ở Hàn Quốc; từng đoạt giải Văn học Sechong 2017 và giải Tác phẩm xuất sắc nhất TP Busan. Nhà văn Suh Song Nan từng sống ở Việt Nam và viết luận văn tiến sĩ về đề tài phụ nữ Việt kết hôn với người Hàn Quốc. Bắt đầu đăng đàn từ năm 1996, đến nay bà đã nhận nhiều giải thưởng văn học của Hàn Quốc. Trước Chuyện đời Sương, bà từng có tiểu thuyết Ớt chuông cũng viết về đề tài cuộc sống của cô dâu Việt lấy chồng và sinh sống ở Hàn Quốc.
Tên đầy đủ của Sương là Nguyễn Thị Sương, một cô gái Việt khỏe mạnh, xinh xắn và đầy mơ mộng, sinh ra và lớn lên tại một vùng quê bên dòng sông Cửu Long. Ba mất vì tai nạn điện giật khi cô 6 tuổi và mẹ tái hôn ngay sau năm đó. Sương sống với ông bà nội. Sau khi mẹ tái hôn và bỏ đi, Sương bắt đầu ra bờ sông từ sáng sớm để bán hoa và thiệp, giống như rất nhiều đứa trẻ khác ở quê cô. Học hết lớp 9, Sương trở thành cô lái đò trên dòng sông Cửu Long.
Sống trong gia cảnh nghèo khó, trong Sương luôn khao khát thoát khỏi nghèo đói và túng thiếu, nhất là hấp lực từ cuộc sống giàu sang mà cô được xem trong các bộ phim trên truyền hình. Giống như rất nhiều cô gái khác, Sương ôm mộng đổi đời bằng cách lấy chồng Hàn Quốc. Đây chính là thực tế được nhà văn Suh Song Nan chỉ ra: “Có không ít cô gái bị hấp dẫn bởi những thành phố tuyệt đẹp và giàu có, những ngôi nhà hạnh phúc trong phim Hàn Quốc. Nhưng không dễ và cũng chẳng đơn giản để được xem mắt cùng những người đàn ông Hàn Quốc tới Việt Nam tìm vợ trẻ đẹp và giành được tấm vé may mắn đến đất nước mà họ đang sinh sống”.
Với sự tìm hiểu cũng như trải nghiệm của mình, nữ văn sĩ đã phản ánh một cách chân thực và sinh động con người cũng như vùng đất miền Tây, nhất là tâm tình của những cô gái như Sương. Bỏ lại sau lưng mái tranh nghèo cùng ông bà nội và chàng trai hàng xóm tên Quốc thầm thương trộm nhớ, Sương theo bà mai lên TPHCM. Qua 20 lần xem mắt, Sương được chọn trở thành vợ của người chồng Hàn Quốc gấp đôi tuổi cô.
Một trang đời mới của Sương được mở ra ở xứ kim chi, nhưng không giống với hình dung và trong tưởng tượng của cô. Cuộc sống thực tế ở Hàn Quốc khốc liệt hơn rất nhiều. Không chỉ bất đồng ngôn ngữ, Sương còn phải đối mặt với sự khắc nghiệt của mẹ chồng, trong khi chồng cô lại là người chậm chạp, ít nói và sợ mẹ... Để tồn tại ở Hàn Quốc, từ sáng đến tối, Sương làm thuê cho các gia đình khác, làm tất cả mọi việc mà cô gặp, miễn là có tiền. Giống như rất nhiều phụ nữ Việt Nam khác, ở Sương có sự mạnh mẽ và giàu đức hy sinh. Có điều, với sự lựa chọn ấy, cuộc đời cô chất chồng bi kịch và bi kịch lớn nhất của Sương là không thể trở thành người Hàn, cũng không thể trở về quê hương.
Hạnh phúc từ trong cơ cực
Giống như nhân vật Sương trong tác phẩm Chuyện đời Sương, nhân vật Nguyễn Thị Hảo trong tác phẩm Cậu bé Sài Gòn của nhà văn Zhang You Yu do NXB Kim Đồng phát hành, cũng có xuất thân từ miền Tây, chấp nhận cảnh tha phương sang Cao Hùng (Đài Loan) làm dâu. Ở Việt Nam, Hảo và ba má làm thuê cho chủ đất, thu nhập mỗi tháng chỉ đủ cho một nhà 7 miệng ăn, vẫn phải vay mượn để nuôi 2 em trai và 2 đứa em gái đi học. Vào một năm mất mùa, có mấy người tự giới thiệu là từ thành phố xuống, dò hỏi trong xóm ấp của Hảo có ai muốn lấy chồng nước ngoài không. Thông tin mà những người môi giới đưa ra rằng, sẽ được sống sung sướng, hơn nữa phía nhà trai còn chu cấp một khoản tiền kha khá giúp nhà gái đổi đời. “Nhà mình sẽ có ruộng và mọi người sẽ sống trong ngôi nhà khang trang”, cô đã nói với ba má mình như vậy.
Tác phẩm Cậu bé Sài Gòn sử dụng bút pháp sinh động, kể xen kẽ chuyện của người mẹ và cậu con trai Vương Thiếu Khoan. Độc giả dần dần khám phá ra diễn biến tâm lý cũng như cuộc sống đầy cơ cực của nhân vật Nguyễn Thị Hảo. So với Nguyễn Thị Sương, dù vẫn có những bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa, hay phải sống với người mẹ chồng hà khắc, người chồng bị khuyết tật nhưng Nguyễn Thị Hảo vẫn có những may mắn nhất định. Cô có 2 đứa con sinh đôi, vẫn được quay về Việt Nam thăm gia đình. Bằng nghị lực và ý chí của mình, Hảo dần dần xóa bỏ những rào cản, những khác biệt trong cuộc sống, để từ đó tìm thấy hạnh phúc cho mình.
Theo chia sẻ của nhà văn Zhang You Yu, để viết Cậu bé Sài Gòn, bà đã theo một cô gái tên Diện sang Đài Loan giúp việc về Việt Nam, tìm hiểu văn hóa, con người nơi đây. Không chỉ sống với ngôi làng cách Hà Nội 2 giờ chạy xe, Zhang You Yu còn vào tận miền Nam để tìm hiểu cuộc sống, nơi xuất thân của những cô gái như Nguyễn Thị Hảo. Tác phẩm Cậu bé Sài Gòn được bà viết trong 4 năm. So với 10 năm trở lại đây, xã hội Đài Loan lúc bấy giờ không có thiện cảm đối với những người nhập cư. Họ thể hiện thái độ đối lập và kỳ thị. Chuyện đời của nhân vật Nguyễn Thị Hảo cũng trải qua những vấn đề tương tự.
Chuyện những cô gái Việt chấp nhận kết hôn với những người đàn ông nước ngoài với khát khao đổi đời không phải là một đề tài mới, báo chí trong nước cũng từng phản ánh. Tuy nhiên, việc các nhà văn nước ngoài như Suh Song Nan và Zhang You Yu khai thác thông qua những thân phận cụ thể, có thể xem là một gợi ý cho các nhà văn trong nước. Cho đến nay, văn học trong nước về đề tài này dường như vẫn còn bỏ ngỏ.