
Xem ra sau khi nghỉ hưu, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hồ lại trở nên bận rộn hơn với những dự án mà ông cho là “vác tù và hàng tổng”. Ông say sưa nói về những bộ phim tài liệu, ký sự khám phá mà ông tham gia trong vai trò cố vấn, chỉ đạo nghệ thuật, thiết kế nội dung… - những công việc mà ông thai nghén không phải bằng ngày mà bằng tháng, bằng năm.

Nhà văn Nguyễn Hồ(thứ hai, từ trái sang) và các nhà văn miền Tây tại Đại hội nhà văn.
"Tôi nhận được khá nhiều lời mời khi về hưu nhưng tôi đã chọn BHD vì chút tình nghĩa bạn bè và vì tôi hy vọng BHD sẽ là công ty chuyên nghiệp…” - ông nói. Ông biên tập phim Sitcom, phim truyện truyền hình, phim truyện nhựa, viết những dự án mới cho phim truyền thông. Ba năm trở lại đây, ông dành nhiều thời gian cho phim tài liệu ký sự: Ký sự Tân Đảo, Đi tìm dấu tích ba Vua và đang ấp ủ những dự án mới.
Ngoài ra, ông còn dành thời gian cho Hãng phim Mê Kông, một hãng phim tư nhân ra đời cách đây hơn 2 năm với mục đích sản xuất những bộ phim tài liệu…
“Ai cũng hiểu ở giai đoạn này, phim tài liệu sản xuất ra hầu như không có doanh thu, không tìm được nguồn tài trợ. Các đài truyền hình chủ yếu phát sóng những bộ phim do họ sản xuất, hoặc phim xã hội hóa bởi các nhà sản xuất có “vai vế”, do đó những hãng phim tư nhân như Mê Kông thật khó mà tìm được nhà đầu tư cũng như đầu ra.
Trong điều kiện làm phim khó khăn, phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng Mê Kông đã tập hợp được một đội ngũ những nhà làm phim tài liệu trong Nam ngoài Bắc uy tín và đầy đam mê, nhiệt huyết với nghề. Hãng đã hoàn thành bộ phim tài liệu 24 tập “Rừng ngập mặn Cần Giờ” và đang làm tiếp bộ phim 55 phút “Vùng đất hồi sinh”…
Hướng đi của Mê Kông là làm những bộ phim tài liệu thuộc thể loại khám phá đất nước Việt Nam bởi người dân Việt Nam không phải ai cũng hiểu hết, biết hết về đất nước mình. Bộ phim đầu tiên chi phí mất hàng tỷ đồng, chỉ được VTV9 trả 6 triệu/tập, nhưng qua đó nhiều người biết đến “sự liều lĩnh” của Hãng phim Mê Kông, và đã có những đơn đặt hàng từ nhiều nơi có nhu cầu. Bến Tre đã đầu tư cho dự án phim tài liệu 19 vị tướng của tỉnh… Công ty Tổ chức biểu diễn và điện ảnh thuộc Sở Văn hóa - Du lịch TPHCM đã kịp thời đầu tư cho bộ phim tài liệu Vùng đất hồi sinh.
Hãng phim Trẻ cũng đã hợp tác sản xuất phim Quả chuông đen, một bộ phim của đạo diễn trẻ Phương Lan về môi trường thành phố... Mê Kông sẽ là môi trường dành cho các nhà làm phim tài liệu với cách thể hiện mang cá tính sáng tạo. Hiện Mê Kông đang hướng tới những bộ phim tài liệu điện ảnh có cách kể chuyện chân thật và dung dị, và có nhân vật và MC”.
Câu chuyện tiếp nối câu chuyện, từ dự án phim tới những kỷ niệm hết sức ấn tượng khi thực hiện những bộ phim Ký sự Tân Đảo, Đi tìm dấu tích ba Vua, thậm chí cả việc ngược dòng thời gian trở về 40 năm trước, lần đầu tiên ông cùng nhà quay phim Hồng Sến làm phim bên nước bạn Campuchia.
Người nghệ sĩ của sự đam mê và “vắt mình” cho công việc dường như không biết mệt khi nhắc đến những bộ phim đã, đang và sẽ thực hiện. Ông nói: “Ngày xưa làm phim phải tính từng mét, quay xong tại chiến trường phải mang về căn cứ in tráng, hậu kỳ phải qua quá nhiều rủi ro, ngày nay, chỉ cần cái máy camera nhỏ gọn, cái laptop được cài sẵn chương trình dựng phim là có thể tác nghiệp bất kỳ ở đâu trên thế gian này.
Điều kiện tốt như hiện nay mà không làm phim tài liệu thì thật là lãng phí… Về hưu rồi, mới làm được điều mình ấp ủ, chỉ tiếc là khi có điều kiện làm phim rồi thì….”. Trong câu chuyện của mình ông nhắc nhiều đến những người bạn, già và trẻ. Đối với ông, họ như những tài sản vô giá.
Những thước phim mà ông thực hiện được, những hành trình mà ông đi qua trong và ngoài nước, những tư liệu mà ông tập hợp được… đều nhờ có sự cộng tác giúp đỡ chí cốt của bạn bè, những người không quá tính toán một cách tỉnh táo, những người còn đôi chút ngây thơ, còn “khờ” và “khùng” bẩm sinh.
Như để minh chứng cho con người tự nhận là mình “khùng” là tập tài liệu dày hàng ngàn trang “Ký sự ngàn năm Thăng Long” do ông sưu tập biên soạn, nằm trên bàn làm việc. Kịch bản đã chính thức khởi động với 130 tập phim thể hiện cái nhìn của người miền Nam hướng về cội nguồn, quê cha đất tổ.
“Là người thiết kế đường dây, đặt ra những tiêu chí cho bộ phim ông cho rằng tất cả đều được bắt nguồn từ cảm xúc. Ông quan tâm đến khán giả miền Nam đặc biệt là những người chưa một lần đến thủ đô để “mặc định” góc nhìn và cách kể chuyện.
Câu chuyện sẽ được bắt đầu bằng bài thơ “Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ. Tiêu chí thứ hai là nhân vật, từng tập phim sẽ có những nhân vật riêng. Đó phải là những nhân vật có thật, với những câu chuyện thật. Ngay cả không gian trong bộ phim cũng sẽ được thiết kế riêng theo trí tưởng tượng của người miền Nam, khi nghĩ về thủ đô, đó là những không gian văn hóa hồ Gươm, phố cổ, hồ Tây, Ba Đình, thành cổ… Đó sẽ là những câu chuyện về văn hóa…”.
Để có được một công trình ngồn ngộn tư liệu giúp các nhà làm phim nhập cuộc, ông đã phải bỏ ra nhiều năm đọc sách, cập nhật thông tin và sắp xếp chúng vào một đường dây và lộ trình có tính khả thi nhất. Chỉ đọc riêng những tập mà ông nói về những nhạc sĩ Hà Nội giờ sinh sống tại phương Nam và những sáng tác về Hà Nội của họ cũng có thể làm thành một bộ phim riêng biệt đầy xúc cảm.
“Nếu chẳng may những nhà làm phim không bắt nhịp được với ý tưởng của ông thì sẽ thế nào?”. “Có lẽ tôi sẽ buồn nhưng tôi hy vọng không khí lễ hội sẽ giúp cho các bạn làm phim nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Cái cần nhất là phải tạo được cảm xúc, và phải là những cảm xúc của người phương Nam hồn nhiên, chân thật…”.
Có lẽ ông là một trong số ít những người thích chọn cho mình con đường khó khăn. Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hồ cho biết, có những ngày ông làm việc 12 tiếng, trong đó ông dành thời gian nhiều nhất cho việc đọc và truy cập thông tin trên mạng. “Tôi vẫn đang ấp ủ nhiều dự án lớn nhưng chưa thể thực hiện vì tính khả thi chưa có…”
HÀ GIANG