Nguyễn Vĩnh Nguyên không phải là người con của Đà Lạt, nhưng lại là một trong những tác giả dành nhiều tâm huyết nhất để nghiên cứu và ghi chép về vùng đất này. Trong suốt một thập niên qua, anh không ngừng tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu và xử lý khối lượng thông tin khổng lồ để có thể “giải mã” Đà Lạt qua những trang sách. Bộ tứ chuyên khảo của anh là một trong những tập hợp tài liệu đồ sộ nhất về văn hóa và lịch sử đô thị này.
Với Đà Lạt, thành phố trong album, Nguyễn Vĩnh Nguyên tiếp tục đào sâu vào dòng chảy lịch sử và văn hóa của thành phố cao nguyên, lần này thông qua những bức ảnh trong album gia đình và kho tư liệu quý hiếm. Cuốn sách chia thành hai phần chính: Phong cảnh & Phong vị; Người & Thời trong đó tác giả phân tích sự giao thoa giữa không gian, con người và thời cuộc.

Tác phẩm mở đầu với hình ảnh Hồ Xuân Hương và Đồi Cù trong ký ức cộng đồng, những biểu tượng văn hóa Pháp, Hoa đậm nét trong ẩm thực và kiến trúc. Người đọc sẽ thấy được sự phát triển của Đà Lạt từ một trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp trở thành một đô thị mang bản sắc riêng, nơi những món ăn, phong cách sống và cả những thú vui như ăn kem giữa trời lạnh trở thành đặc trưng...


Là người dành nhiều năm để nghiên cứu về Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên không chỉ tiếp cận vùng đất này dưới góc độ của một nhà khảo cứu, mà còn mang theo cái nhìn của một người viết văn, một kẻ rong ruổi tìm kiếm những câu chuyện ẩn trong từng ngóc ngách của thành phố. Bên cạnh bộ tứ khảo luận, anh còn viết tiểu thuyết Ký ức của ký ức, trong đó khai thác những chất liệu lịch sử để tạo nên một thế giới vừa thực, vừa mơ hồ, mang đậm màu sắc Đà Lạt.


Thông qua Đà Lạt, thành phố trong album, tác giả một lần nữa chứng minh rằng mỗi góc phố, mỗi bức ảnh xưa cũ đều có câu chuyện riêng. Và chính những trang sách này đã góp phần lưu giữ ký ức của một thành phố mà nhiều người luôn mong muốn tìm lại.