Với 100% phiếu bầu của ban chấp hành, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là nữ chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Hà Nội. Ngay sau khi hội nghị kết thúc, nhà văn đã chia sẻ với báo chí về những kỳ vọng, dự định của mình trong việc điều hành hội trong nhiệm kỳ.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
* PHÓNG VIÊN: Mục tiêu quan trọng mà bà đặt ra trong nhiệm kỳ này là gì?
- Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ: Ngoài viết văn, tôi còn là dân làm phim. Trong khi môi trường làm phim rất sinh động là vừa ăn vừa đi, vừa làm… không có giờ giấc, thâu đêm suốt sáng thì viết văn lại cần sự tĩnh lặng. Khi tôi được các Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội bầu, tôi rất cảm ơn mọi người đã tin tưởng mình. Nhưng càng nhiều người đặt niềm tin thì bản thân tôi thấy trách nhiệm của mình càng lớn. Chính vì vậy, ngay khi được mọi người tín nhiệm, lập tức trong đầu tôi nghĩ các đầu việc sẽ thực hiện cùng các thành viên ban chấp hành.
Ban chấp hành mới có 8 người, đủ cả nam nữ, nhưng tiếc là thiếu nhà lý luận phê bình, nếu sau này được bổ sung chúng tôi sẽ đề cử. Chúng tôi sẽ phát huy tính dân chủ cao nhất, đặc biệt phải tôn trọng sự khác biệt. Theo quy định thì có 11 ủy viên ban chấp hành mới được bầu 3 phó chủ tịch, nhưng tại phiên họp đầu tiên, tôi và một số thành viên đề nghị cần 3 phó bởi phạm vi hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội rộng, thành viên đông. Sẽ phân quyền cho từng ủy viên, phó chủ tịch đảm trách từng phần việc cụ thể.
Một trong những ý định nung nấu từ lâu của tôi là quan tâm tới các nhà văn lớn tuổi. Chúng tôi sẽ nghiên cứu mời các nhà văn có đề cương tác phẩm dự các trại sáng tác.
Tôi nghĩ việc đẩy mạnh sáng tác là quan trọng nhất. Với các nhà văn lớn tuổi quen viết tay, chúng tôi sẽ tổ chức đánh máy tác phẩm. Hiện tôi là Giám đốc Trung tâm Bản quyền của Hội Nhà văn Việt Nam, việc giúp đỡ đánh máy này còn thuận lợi cho cả việc đăng ký bản quyền cho các nhà văn lớn tuổi. Sách văn học không thu hút các NXB bởi cũng phải lo doanh thu, cho nên Hội Nhà văn sẽ là cầu nối giữa tác giả và các NXB.
* Một trong những vấn đề của hội là hội viên quá già, tuổi trung bình đã vượt ngưỡng 60, làm gì để có thêm nhiều người trẻ trong đội ngũ của mình?
- Các nhà văn trẻ là những người sáng tác mới mẻ, có cách nhìn nhận, tiếp cận sáng tác khác. Không cứ sáng tác theo lối truyền thống, họ sử dụng mạng xã hội để lan tỏa tác phẩm đến gần với xã hội và công chúng hơn. Chúng tôi phải có trách nhiệm mời họ đến, chứ không thể đợi, không thể yêu cầu nhà văn phải viết đơn, xin giới thiệu, phải có cơ quan xác nhận. Có như vậy chúng ta mới trẻ hóa được đội ngũ hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Tiếp đến ban chấp hành khóa mới sẽ thành lập một số hội đồng như thơ, văn, phê bình… Từ đó sẽ nắm bắt những ai đang nổi tiếng ở bên ngoài, có những tác phẩm hay được công chúng, dư luận đánh giá cao, chất lượng thì sẽ mời họ tham gia vào hội.
* Còn giải thưởng của hội sẽ được tiếp tục như thế nào thưa bà?
- Giải thưởng của hội sẽ tiếp tục duy trì với mục tiêu đoàn kết và tôn trọng sự khác biệt. Có thể sự khác biệt sẽ vừa ý người này nhưng sẽ không vừa ý người khác, nhưng theo tôi đã là sự khác biệt thì phải tôn trọng. Sáng tạo là công việc của mỗi cá nhân. Nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực tạo điều kiện để xuất bản tác phẩm hội viên trước đã. Còn tác phẩm có là đỉnh cao hay nghiệp dư, đó là do cá nhân từng người.
* Cùng lúc nắm giữ nhiều trọng trách, như công việc ở Đài Truyền hình, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam, bà làm sao để đảm đương công việc mới?
- Công việc gia đình tôi đã ổn định, tôi đã lên chức bà nội. Nếu tôi sắp xếp công việc tốt, có 7 anh chị em trong ban chấp hành, rồi có những cánh tay nối dài cho ban chấp hành nữa, thì tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn thỏa thôi.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ sinh năm 1966 tại Quảng Ninh. Bà tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhà văn là nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nổi tiếng với các tập truyện ngắn Cát đợi (1993), Hậu thiên đường (1994), Thành phố đi vắng (2012)...