Ba ủy viên được bầu làm Phó Chủ tịch, gồm: Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Việt Chiến, Trần Quang Quý.
Nguyễn Thị Thu Huệ sinh năm 1966, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là ĐH KHXh&NV.
Một số tác phẩm của bà đã xuất bản: Cát đợi, Hậu thiên đường, Phù thủy, Tân cảng, 21 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nào, ta cùng lãng quên, 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ và tập truyện ngắn Thành phố đi vắng. Tập Thành phố đi vắng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn 2012.
Hội Nhà văn Hà Nội đã bầu ra Ban Chấp hành (BCH) gồm 8 người, thay vì dự kiến là 11 thành viên trước đó. Đây là số thành viên có phiếu bầu cao nhất và quá bán trong danh sách 22 người.
BCH Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020, gồm: Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hữu Việt, Nguyễn Sĩ Đại, Bùi Việt Mỹ, Trần Quang Quý, Y Ban, Nguyễn Việt Chiến, Trần Gia Thái.
Đại hội XII Hội Nhà văn Hà Nội là đại hội đoàn kết - sáng tạo; đại hội củng cố niềm tin, đại hội lao động, đại hội xây dựng phong cách “Nói đi đôi với làm” diễn ra ngày 8 và 9- 8 tại Hà Nội.
Theo đánh giá chung của Hội Nhà văn Hà Nội, nhiệm kỳ XI Hội Nhà văn Hà Nội là "một nhiệm kỳ công tác đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, đáng tự hào về mọi mặt. Đây là một nhiệm kỳ có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức hoạt động hội có thể làm kinh nghiệm cho các hội đoàn ở thủ đô và trong cả nước".
Tuy nhiên, Hội cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khuyết điểm, trong đó có những khuyết điểm cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc.
Cụ thể như: Công tác phát triển hội viên còn chưa nghiêm túc, chặt chẽ, chạy theo số lượng mà chưa bảo đảm chất lượng cần thiết; độ tuổi kết nạp quá cao, làm cho độ tuổi bình quân của hội cao lên, hội viên mang tính nghiệp dư nhiều hơn.
Định hướng giải thưởng chưa chuẩn xác; vừa hẹp (mỗi năm một cuốn cho một thể loại), vừa chưa chú ý đúng mức việc khuyến khích các hội viên của Hội, nên một số tác phẩm tốt của hội viên còn chưa được vào giải.
Việc trao giải cho tập thơ Sẹo độc lập trong mùa giải 2015 là một sai sót. Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội với các thành viên BCH, giữa BCH với các hội đồng, giữa BCH, các hội đồng và các hội viên đã có sự gắn bó mật thiết hơn so với trước, song chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong lãnh đạo của BCH có lúc còn có biểu hiện tùy tiện; không bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Có hiện tượng BCH buông lỏng Hội đồng, Ban Chuyên môn; Hội đồng, Ban Chuyên môn thiếu chủ động trong công tác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên mất đoàn kết, thiếu thống nhất trong công tác; kém hiệu quả trong hoạt động của BCH, của Hội.
Một số không ít hội viên, nhiều năm không tham gia sinh hoạt hội, không đóng hội phí. Đây là điều nhiệm kỳ tới cần rà soát lại và có giải pháp thích hợp. Một số hoạt động còn mang tính hình thức.
Đại hội cũng thông qua phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 của Hội Nhà văn Hà Nội, gồm: Xây dựng Hội Nhà văn Hà Nội thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp; tập hợp, đoàn kết hội viên, bằng sáng tác văn học và các hoạt động khác phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh thành một hội nòng cốt của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội; tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng con người, sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của tủ đô.