1. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (còn có bút danh là Nguyễn Sáng), từng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM (1981-2000), Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4. Bằng những đóng góp của mình, vào năm 2000, ông đã nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.
Nhắc đến Nguyễn Quang Sáng, người đọc liền nhớ ngay đến những tác phẩm Con chim vàng, Người quê hương, Nhật ký người ở lại, Đất lửa, Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạch, Cái áo thằng hình rơm, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu… Điều đặc biệt là đến tận bây giờ, có những tác phẩm được ông viết cách đây 60, 70 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị, nhất là những tác phẩm mang đậm tính nhân văn.
PGS-TS Võ Văn Nhơn cho rằng, trong các nhà văn thuộc đội ngũ văn nghệ giải phóng miền Nam, Nguyễn Quang Sáng có lẽ là nhà văn có phong cách Nam bộ nhất. Giọng văn của ông hồn hậu, mộc mạc, tự nhiên như cảnh sắc thiên nhiên Nam bộ nhưng vẫn luôn có chiều sâu.
“Chiều sâu trong sáng tác của Nguyễn Quang Sáng thể hiện ở chỗ, ông rất quan tâm đến những tình cảm sâu lắng, giàu giá trị nhân bản như tình cha con, tình mẹ con, tình vợ chồng. Truyện ngắn Chiếc lược ngà của ông, nếu xử lý non tay sẽ dễ trở thành một tác phẩm minh họa đơn giản cho những bi kịch của chiến tranh, nhưng qua tay ông, tác phẩm đã đạt đến một chiều sâu nhân văn cao cả, vì thế đã lay động bao trái tim bạn đọc”, PGS-TS Võ Văn Nhơn nhận định.
Cùng chung quan điểm, PGS-TS Bùi Thanh Truyền cũng cho rằng, Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn Nam bộ tiêu biểu mà cuộc đời và văn nghiệp đều gắn bó với mảnh đất phương Nam giàu bản sắc.
“Tác phẩm của ông nói nhiều về những yếu tố văn hóa nhưng lại không hề nhàm chán mà luôn cuốn hút. Một cách tự nhiên mà đầy hiệu quả nghệ thuật, nhà văn đã thổi cái hồn Nam bộ vào từng câu chữ, làm cho đất và người cực Nam xa xôi của Tổ quốc trở nên thân thương hơn, gần gũi hơn với mỗi người dân đất Việt”, PGS-TS Bùi Thanh Truyền cho biết.
2. Hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Cuộc đời và sự nghiệp” được tổ chức lúc này, có vẻ như đã trễ so với ngày mất của ông là 13-2-2014. Tuy nhiên, sự kính trọng và mến tài, nhất là với một người như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, có lẽ không bao giờ là muộn. Bởi, như khẳng định của nhà thơ Lê Quang Trang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, những kinh nghiệm viết văn của Nguyễn Quang Sáng đã từng là bài học quý giá cho ông, và cả thế hệ sau này.
“Lúc mới vào nghề, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có dạy cho chúng tôi là khi viết phải tìm kiếm chi tiết, nhất là những chi tiết độc, lạ. Và với Nguyễn Quang Sáng, những chi tiết ấy chẳng phải tìm ở đâu xa mà ngay trong chính cuộc đời. Chính vì ít hư cấu, nên những chi tiết của Nguyễn Quang Sáng luôn có sức lay động với người đọc”, nhà thơ Lê Quang Trang nói thêm.
Nhà thơ Phan Hoàng nói rằng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người cực kỳ gần gũi, thân thiện và anh học hỏi lẫn quý mến ông chính là nhân cách sống.
“Tôi học được ở Nguyễn Quang Sáng một điều là ở những cuộc vui không bao giờ nói xấu người khác, mà dù có ai vu khống, bịa đặt mình đi chăng nữa thì mình cũng im lặng, để thời gian trả lời. Chính những lá phiếu của Hội Nhà văn TPHCM hay Hội Nhà văn Việt Nam dành cho Nguyễn Quang Sáng là cách xác thực nhất cho một nhân cách sống”, nhà thơ Phan Hoàng bày tỏ.
Chính tài năng và nhân cách sống đã tạo nên tầm vóc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, mà nói như nhà thơ Phan Hoàng, dù thời gian có trôi qua bao lâu nữa, khi nhắc đến văn chương Nam bộ, bên cạnh những cái tên như Sơn Nam, Trang Thế Hy…, chắc chắn sẽ có Nguyễn Quang Sáng.
“Đối với Nguyễn Quang Sáng rất cần một hội thảo mang tầm quốc gia. Và hướng đến hội thảo quốc gia thì không chỉ nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà một số nhà văn Nam bộ cũng như vậy. Và đặc biệt, Hội Nhà văn TPHCM cần tiên phong tổ chức những cuộc tọa đàm, hội thảo để nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của các bậc tiền bối của văn đàn phương Nam. Hội Nhà văn TPHCM có đủ khả năng để làm việc này”, nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ.