Sách nuôi dưỡng khả năng sáng tạo
Đây là lần đầu tiên, một nhà văn Việt Nam trở thành đại sứ của RtR trên toàn cầu, bên cạnh những nhà văn nổi tiếng của thế giới như Alka Joshi, Christina Baker Kline, Esther Wojcicki. Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ: “Vào tháng 8 năm ngoái, tôi nhận được thư của đại diện tổ chức RtR. Đây là một tổ chức hoạt động hiệu quả, có tầm ảnh hưởng và có chung sứ mệnh với tôi, vì thế tôi vui vẻ nhận lời. Sau một số các buổi họp trực tuyến cùng ban lãnh đạo tổ chức, chúng tôi đã thống nhất được những việc tôi có thể làm để hỗ trợ RtR trong thời gian tới. Tôi rất vui với vai trò này”.
Chị bắt đầu bằng việc giới thiệu 12 tựa sách của các tác giả trong nước (đây là các tác phẩm đã được dịch và phát hành bằng tiếng Anh) cho thành viên câu lạc bộ đọc sách RtR. Sắp tới, chị sẽ cùng RtR thực hiện những hành động cụ thể để góp phần nâng cao khả năng tiếp cận sách và các cơ hội giáo dục bình đẳng cho trẻ em ở khắp nơi trên thế giới.
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai cho hay, chị rất ấn tượng với tầm nhìn và hoạt động của RtR tại Việt Nam và sẽ hỗ trợ họ trong việc truyền cảm hứng cho các bé gái, nâng cao khả năng tiếp cận thư viện tại các trường học cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa, cũng như thúc đẩy văn hóa đọc và tình yêu đọc sách tại Việt Nam.
Được thành lập vào năm 2000 với sứ mệnh “Thế giới thay đổi khi trẻ em đến trường”, RtR đang tạo ra một thế giới không còn nạn mù chữ và bất bình đẳng giới. Đó cũng là một lý do khiến nhà văn chọn cộng tác với tổ chức này. Chị chia sẻ: “Tôi lớn lên ở các miền quê nghèo, ở Ninh Bình và Bạc Liêu. Tài sản lớn nhất của gia đình tôi là giá sách và niềm đam mê đọc sách. Tôi có thể khẳng định: Sách đã soi sáng cho tôi, thay đổi cuộc đời tôi, và là chìa khóa để tôi bước ra với thế giới. Nhờ có sách, khi sống ở Việt Nam, tôi đã được chu du tới nhiều miền đất, làm bạn với mọi người ở các quốc gia, học hỏi, và nuôi dưỡng khả năng sáng tạo”.
Tự hào là người Việt
Đầu năm 2020, Nguyễn Phan Quế Mai bất ngờ ra mắt tiểu thuyết được viết bằng tiếng Anh The Mountains Sing, nhận được nhiều giải thưởng quốc tế và được dịch ra 9 ngôn ngữ khác nhau. Mặc dù sống ở nước ngoài, nhưng chị vẫn viết và xuất bản tác phẩm bằng tiếng Việt.
Nói về lần đầu đó, chị chia sẻ: “Đã nhiều năm nay, tôi dịch và giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế, vì thế kinh nghiệm dịch văn học giúp tôi rất nhiều trong việc sáng tác tiểu thuyết đầu tay bằng tiếng Anh. Tôi đã viết quyển sách trong vòng 7 năm. Để bước ra với thế giới, tôi cần phải viết với sự khác biệt: kể chuyện theo phong cách của người Việt, đồng thời vận dụng kiến thức về sáng tác, phê bình mà tôi học được ở trường và ngoài cuộc sống. Để viết, tôi cần phải đọc rất nhiều. Từ năm 2010 đến nay, mỗi tháng tôi đọc/nghe trung bình 3 - 4 quyển sách viết bằng tiếng Anh (song song với các tác phẩm viết bằng tiếng Việt). Là một người luôn thiếu thời gian, sách nói giúp tôi tiếp cận được rất nhiều tác phẩm”.
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ rằng, sự phát triển bền vững của một quốc gia cần có nền tảng là văn hóa đọc và một nền xuất bản lành mạnh để có thể giới thiệu tới bạn đọc những quyển sách có giá trị. Có nhiều điều chúng ta cần phải làm cho thị trường sách Việt Nam, bao gồm việc thúc đẩy, ươm mầm các tài năng văn học, bảo vệ bản quyền tác giả tốt hơn nữa, ngăn chặn được nạn sách lậu, bao gồm sách nói, sách điện tử, sách in.
Để viết được các tác phẩm có chiều sâu, một nhà văn cần quăng quật mình vào đời sống. Và Nguyễn Phan Quế Mai luôn mong ước được gắn kết với quê hương, bởi dù đi đâu, chị cũng tự hào mình là người Việt. “Từng đi nhiều nước, tôi cũng đã gặp nhiều thầy cô giáo, các thủ thư rất nhanh nhạy trong việc giới thiệu xu hướng đọc sách tới các học trò của mình bằng việc lập tức đưa vào chương trình giảng dạy các quyển sách vừa mới xuất bản trong năm. Ở nhiều gia đình, cha mẹ cũng dõi theo các quyển sách hay mới ra đời để mua về cho cả nhà cùng đọc. Văn hóa đọc được ươm mầm và thúc đẩy ở nhà, ở trường, ở xã hội. Tôi luôn ước ao những hoạt động thế này được nhân rộng ở Việt Nam”, chị chia sẻ.
Lâu nay, độc giả nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam vẫn mặc định là “đất nước của chiến tranh”. Những ngọn núi ngân vang viết về lịch sử thế kỷ 20 của Việt Nam. Qua trao đổi, Nguyễn Phan Quế Mai cho hay, chị viết tiểu thuyết này với một mong muốn thay đổi cái nhìn của độc giả quốc tế về Việt Nam: “Đất nước chúng ta vẫn còn những vết thương sâu hoắm của chiến tranh, nhưng cũng là một đất nước có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống văn học. Tôi đã lồng ghép nhiều câu tục ngữ vào quyển sách, giới thiệu nhiều danh lam thắng cảnh, nghi lễ, các món ăn Việt Nam. Trên hết, tiểu thuyết nói về tình yêu gia đình, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh và mong mỏi hòa bình của người Việt. |