1. Mùa hè năm nay, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ cùng lúc ra mắt 2 tác phẩm dành cho thiếu nhi: tập truyện ngắn Nào cùng nhón chân (NXB Trẻ) và truyện dài Nhặt (NXB Kim Đồng). Với 15 truyện ngắn, Nào cùng nhón chân chỉ có 120 trang, cho thấy dung lượng mỗi truyện không nhiều chữ. Đó là những câu chuyện nhỏ nhắn, dung dị và đầy màu sắc xung quanh những cô bé, cậu bé giàu lòng trắc ẩn.
Hai cô bé Nhung và Liễu trong truyện ngắn Đôi bạn… ùm cùng 8 tuổi, cùng học lớp 2 nhưng lại có quá nhiều điểm khác biệt về ngoại hình, hoàn cảnh gia đình, nhà đối diện nhưng khác phường nên không được chung trường. Nhưng những sự khác biệt đó không cản trở, mà ngược lại, Nhung và Liễu là đôi bạn rất thân, cùng san sẻ cho nhau những tô cơm với những tiếng “ùm” qua “ùm” lại như một ám hiệu riêng của đôi bạn. Những tô cơm cũng chính là tấm lòng của Nhung dành cho Liễu vì biết nhà bạn nghèo nhất xóm.
Bạn đọc sẽ còn bắt gặp trong tập truyện nhỏ nhắn này những tâm tình, suy nghĩ và cả tấm lòng của Sun, Cầu Vồng, chị em Na - Ny, Ti, Xi, Mun… trong các truyện ngắn: Nào cùng nhón chân, Làm bạn với gấu bông, Chú tôm đất côi cút, Chuyện ngoài đó… Tấm lòng nhân hậu ấy hẳn sẽ khiến những tâm hồn bé bỏng không khỏi rưng rưng, giúp các em biết yêu thương, cảm thông và chia sẻ với những người bạn kém may mắn xung quanh mình.
Nếu ở Nào cùng nhón chân, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ mang đến cho người đọc phong vị “xứ Nẫu” đặc trưng qua phương ngữ, qua những món ăn thì Nhặt lại đi sâu khai thác câu chuyện của một gia đình gốc Bắc. Đó là một gia đình nghèo, đông con, và vì có bà nội khó tính nên đầy những chuyện dở khóc dở cười. Nhân vật chính trong tác phẩm là Tính, một cậu bé vụng, đoảng, “chẳng ra ngô khoai, hồn vía gì”. Nhưng ở Tính lại có một sở thích đáng yêu là nhặt nhạnh những câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, gom gọn và cất giữ cho thật kỹ, để những kỷ niệm, những yêu thương đó sẽ không “bị phai nhòa và có khi mất biến”. Nhờ sở thích đó của Tính mà rất nhiều câu chuyện của người thân trong gia đình cho đến hàng xóm, rồi cả người làng lần lượt hiện ra đầy ấm áp bởi những yêu thương và quan tâm dành cho nhau.
Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ chia sẻ, khi viết văn, bà muốn được viết về những điều thiện lương, tốt đẹp. Và những tác phẩm dành cho thiếu nhi cũng không nằm ngoài điều đó. Với thiếu nhi, bà còn mong muốn nhen lên trong các em những ước mơ đẹp đẽ. “Tôi mong các em lưu giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo của tâm hồn, luôn hướng cái nhìn của mình cho sự thiện lương và đừng bao giờ quên mơ ước”, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ bày tỏ.
2. Là người chọn lối sống lặng lẽ, dường như tách biệt với những ồn ào của văn chương, thay vì đăng đàn lập ngôn, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ lại cần mẫn, lặng lẽ với trang viết của mình. “Văn là người”, câu này dường như đúng với bà. Đọc văn của bà cứ có cảm giác mọi thứ nhỏ nhẹ, thủ thỉ, chỉ là điều đơn giản, mộc mạc trong cuộc sống nhưng ẩn sâu trong những con chữ kia lại là niềm yêu người, yêu đời tha thiết.
Ngày trước, khi còn khỏe mạnh, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ thường xuyên cộng tác cho 10 tờ báo, từ tùy bút, tạp văn đến âm nhạc, điện ảnh, ẩm thực. Bà chăm chỉ viết, ngoài đam mê còn là công việc để mưu sinh. Những năm gần đây, bà hay bị đau ốm nên không còn duy trì tốc độ và số lượng viết như trước. Bà viết lai rai, rồi dành thời gian biên tập lại những cái đã viết.
Chính thức bước vào văn chương từ năm 1996, sau 27 năm, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ đã có 10 tác phẩm được xuất bản. Thậm chí, có những năm bà xuất bản 2 tác phẩm như năm 2013 với 2 tập truyện ngắn Tiếng hát liêu điêu và Thế gian không phút thứ sáu; năm 2017 với tập truyện ngắn Theo một người về biển và tạp văn Nến, bờ sông và acoustic. Riêng năm nay, ngoài 2 tác phẩm dành cho thiếu nhi, bà còn có thêm tập tạp văn Thương quá nục ởi sắp sửa được NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành. Tác phẩm viết hoàn toàn bằng văn phong “xứ Nẫu”, để ghi dấu 35 năm làm dâu Bình Định của bà.
Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ hiện sống cùng chồng ở gần chợ Đầm (TP Quy Nhơn, Bình Định). Chồng bà cũng là người lặng lẽ, chỉ chuyên tâm vào công việc của mình. Ông là người hỗ trợ cho bà rất nhiều về tinh thần trong đời sống lẫn văn chương. Hẳn không ít người sẽ cảm thấy chạnh lòng cho một nhà văn tỉnh lẻ như bà. Nhưng nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ bảo, bà không cảm thấy chạnh lòng lẫn thua thiệt, bởi cuộc sống có nhiều lựa chọn, và mỗi người đều có những lựa chọn riêng của mình, miễn là bản thân cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn đó.
Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ (68 tuổi) quê gốc ở Hà Nam, chào đời ở Quảng Ngãi nhưng lại gắn bó với thành phố biển Quy Nhơn từ thời thơ ấu đến bây giờ. Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín như: giải ba Báo Văn nghệ năm 2000, giải tư Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2002, giải khuyến khích Báo Mực tím năm 2003, giải tư Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006.