Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Với tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, nhà văn Nguyễn Một đưa người đọc ngược dòng thời gian, quay trở lại một thời kỳ quá vãng của lịch sử, nơi mà tình yêu, ước mơ, thân phận của con người bị chiến tranh xé nát. Tác giả, dù không can dự vào cuộc chiến nhưng với ký ức, với tư liệu, anh đã trở lại với chiến tranh với tư cách của một nhân chứng, đánh giá cuộc chiến bằng cách nhìn của một nhà văn...
Theo tác giả, "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" được viết mang hơi hướng hồi ức để mang tới cho người đọc cảm giác chân thực |
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm này không nhằm mục đích khơi lại thù hận hay đau thương. Tác giả chỉ ra bản chất kinh hoàng của chiến tranh, lên án con quái vật chiến tranh để từ đó cất lên tiếng nói ngăn chặn những cuộc chiến có thể xảy ra trong tương lai. Nhà văn Nguyễn Một tạm rời phong cách huyền ảo quen thuộc để đào sâu “mảnh đất hiện thực” bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính tác giả. Do đó, người đọc có cảm giác như chính mình đang ở trong cuộc chiến, trực tiếp chịu đựng nó và tìm cách thoát ra khỏi nó.
“Nhà văn đã thành công trong việc xây dựng hệ thống nhân vật đa dạng, có người dân bình thường, có người có vị trí trong xã hội... họ đều bị dày vò trong chiến tranh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Nhà văn Nguyễn Một chia sẻ, tuy không can dự vào cuộc chiến nhưng chiến tranh đã ám ảnh bởi cha, mẹ đều bị lấy mất trong chiến tranh. Bởi vậy, anh chọn cách kể giống như hồi ký, anh đặt tên nhân vật dựa theo nhiều nhân vật có thật, dễ gợi liên tưởng.
Nguyễn Một cũng đưa vào tiểu thuyết nhiều trích dẫn thơ, văn, âm nhạc của các tác giả có thật trong giai đoạn cuộc chiến đang ở thời kỳ cam go nhất để người đọc có cảm giác đang đi theo hồi ức, truyện kể của một nhân vật có thật. Nhân vật ấy đã chứng kiến tất cả, đã dõi theo tất cả và bây giờ ngồi ghi chép lại cho Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín.
Nhà báo Yên Ba, người đã tiếp xúc với Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín từ lúc còn là bản thảo sơ khai cho rằng “nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này khá lạ. Là một nhân vật không ác, không thiện. Cuốn sách trải dài theo chiều lịch sử trong giai đoạn tang thương của đất nước. Ở đó, sự vô minh của con người trong thời chiến và số phận con người trở nên nhỏ bé trong cuộc chiến được nhấn mạnh bằng một thủ pháp hoàn toàn khác hai tiểu thuyết trước của Nguyễn Một”.
Nhà văn Nguyễn Một (sinh năm 1964) còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như: Năm đứa trẻ xóm đồi, Long lanh giọt nắng… Ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng đề tài như truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết.