Nhà văn Nguyễn Đình Thi - Lá đỏ và những Giấc mơ

Làm thơ về Đất nước đã từ lâu. Lòng ôm trùm Đất nước cũng đã có từ buổi đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Vậy mà, mãi đến những ngày tháng cuối 1974, đầu 1975, Nguyễn Đình Thi mới được đi thị sát chiến trường miền Nam. Khác với Tế Hanh, Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi là Người Hà Nội từng ngưỡng vọng miền Nam với lời hẹn ước khát khao cháy bỏng với Sài Gòn.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi - Lá đỏ và những Giấc mơ

Làm thơ về Đất nước đã từ lâu. Lòng ôm trùm Đất nước cũng đã có từ buổi đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Vậy mà, mãi đến những ngày tháng cuối 1974, đầu 1975, Nguyễn Đình Thi mới được đi thị sát chiến trường miền Nam. Khác với Tế Hanh, Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi là Người Hà Nội từng ngưỡng vọng miền Nam với lời hẹn ước khát khao cháy bỏng với Sài Gòn.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ảnh: C.T.V.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ảnh: C.T.V.

Phạm Tiến Duật, “Con chim lửa Trường Sơn” đã tháp tùng bậc đàn anh kể tỉ mỉ về sự tích bài thơ lịch sử. Ấy là xúc cảm mãnh liệt từ hình ảnh những cô gái tiền phương bình dị anh hùng trên tuyến lửa. Trằn trọc, nghĩ suy suốt đêm khi chứng kiến hàng nghìn cô gái làm đường vất vả, Nguyễn Đình Thi tâm sự: “Những người làm đường kia lớn hơn những gì mà ta nghĩ về họ”. Và chiếc lá săng lẻ đầu mùa khô đỏ như máu, ngẫu nhiên rơi xuống trước mặt anh... để hôm đó anh biến thành thơ”(1). Chiếc lá đỏ chỉ là một kích thích ngọn lửa tâm hồn. Nhà thơ đã từng suy nghĩ sâu xa như một nỗi niềm. Theo ông, trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ ra trận nhiều như ở Việt Nam. Ở chiến trường Điện Biên Phủ, có khoảng năm vạn chiến sĩ thì đã có vài ba vạn dân công tiếp sức trong đó phần lớn là phụ nữ. Nhà thơ kể chuyện đã “giải vây” cho một trạm trưởng khi điều đại đội nữ trái “hợp đồng” vào quá địa phận Quảng Bình. Chị em xôn xao, nhưng khi được nhà thơ cho biết đây là lệnh bí mật, muốn giao phó cho đơn vị giỏi giang, dũng cảm đi canh giữ kho quân nhu, quân trang rất quan trọng thì tất cả đều reo lên sung sướng và hồ hởi lên đường.

Cũng như đồng đội, nhà thơ Phạm Tiến Duật, mặc áo lính, lên xe quân sự, họ như khẩu súng, đạn đã lên nòng chỉ một hướng chiến trường nhắm tới! Lời chào, lời hẹn là khẩu lệnh, là quyết tâm mạnh mẽ, đầy tin tưởng. Cũng là tiên tri đanh chắc, quyết đoán: Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn!

Trong chùm ảnh về Đại thắng mùa xuân có một bức ghi hình một cô gái trong trang phục dân sự oai vệ chỉ đường cho xe tăng quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Đó là sự kỳ thú như ước mơ gặp nhau trong chiến thắng mà nhà thơ đã mường tượng trong Lá đỏ. Lá ấy đã bay vào Sài Gòn đỏ rực cờ, hoa ngày chiến thắng. “Giấc mơ” hiện thực đất nước đã thành sự thật.

Sau ngày thống nhất cả nước, với cương vị lãnh đạo, Nguyễn Đình Thi nhiều lần được ra vào Sài Gòn. Để làm việc, cũng là để thỏa nỗi khát khao được giao lưu với cảnh và tình đất nước, với đồng bào, bè bạn miền Nam.

Đặc biệt, với những đồng đội phương Nam, Nguyễn Đình Thi có những ưu ái riêng. Lê Văn Thảo rất cảm động khi gặp Nguyễn Đình Thi trong đoàn văn nghệ sĩ vượt Trường Sơn năm ấy. Nhưng xúc động hơn là được biết nhà văn đã đọc và theo dõi sáng tác của mình, nên coi ông như một người anh lớn. Nguyễn Quang Sáng nhận thấy rõ ở Nguyễn Đình Thi một tâm hồn giao cảm nghệ sĩ qua những tiếng đàn dương cầm khi dạo bản sônát Ánh trăng của Beethoven. Nhân dịp mừng thọ 80 tuổi (1997) Phạm Tường Hạnh đã được Nguyễn Đình Thi tặng thơ. Đó là bài Chiều trên sông Sài Gòn với một cảm thức lạ của Tình sông nước Hồng Hà - Sài Gòn: “…Đến bến cảng như sao sa mặt nước… Chiều trên sông Sài Gòn đèn long lanh”.

Thực ra tấm lòng nhà văn đã vào miền Nam từ rất lâu. Chính Lê Văn Thảo cũng đã phát hiện ra trình độ hiểu biết uyên bác, tấm lòng sâu nặng của Nguyễn Đình Thi khi dự buổi nói chuyện tại An Giang: “Anh nói về văn hóa chung, về văn hóa Việt Nam nói riêng và thật đáng ngạc nhiên là anh dành thời gian dài nói về văn hóa Nam bộ, không biết anh nghiên cứu từ lúc nào, nhận xét về khởi thủy văn miền Nam từ thời mở cõi cho đến sau này, thời chống Pháp, chống Mỹ, những năm hòa bình, nhận xét nhiều chuyện của chúng tôi, những người viết văn gốc đồng bằng” (2). Khi nhà văn ra đi: “Những người yêu mến anh ở miền Nam đau lòng khôn xiết, nhớ về anh”(3) - Mai Quốc Liên đã nói lên tiếng nói thương tiếc sâu nặng của bạn bè như vậy.

Lá đỏ là hình ảnh - biểu tượng cũng vận vào Nguyễn Đình Thi như nét khí chất, phong thái, tư thế trong cuộc đời. Sớm dấn thân vào tranh đấu, người chiến sĩ trẻ luôn ở giữa đại ngàn “trên cao lộng gió” được thử thách trong bão dông thời cuộc.

Những chiếc lá đầu đời thơ “rơi đầy” lưu luyến trong “thềm nắng” Hà Nội những ngày đầu chiến trận buổi chia ly tạm biệt. Đó là ngày buồn thi nhân với nỗi lòng “xao xác hơi may” hào hoa mà rất đỗi kiên cường.

Đeo bám sát sao cuộc chiến đấu lớn lao của dân tộc suốt 30 năm, hầu như nhà văn đã xông xáo ở hầu hết những mặt trận lớn, những chiến dịch tiêu biểu nhất. Đi để làm thơ, viết văn với phong thái của gió cuốn “ào ào lá đỏ”. Đúng là như lá cuốn theo Gió bay. Nhưng đó là ngọn gió thời đại - ngọn gió hào hùng lịch sử làm cuốn bốc cánh bay.

Như vậy đó, thơ Nguyễn Đình Thi thường có gió: “Anh viết cho em gió cuộn”. Gió có sức lay động ghê gớm, tưởng có thể làm rung chuyển cả một rừng tre như bay múa với lòng người “Gió thổi rừng tre bay phấp phới”.

Nhà văn cũng từng có Những chiếc lá. Lá buồn, vui trong cuộc đời, nhưng bản chất lá nào cũng “tươi”, cũng “thắm”, cũng “đỏ”. Lá biến ảo trong tâm hồn nhà thơ.

Lá đỏ là biểu tượng gắn liền với Nguyễn Đình Thi nhưng cần phải biết đó từng là “Chiếc lá non tơ run rẩy đầu cành/Mê mải lắng nghe chuyển vần mạch nhựa” (Ấn tượng - Nguyễn Bao). Cũng có lúc hóa thân thành chiếc lá nhỏ xíu, mượt mà “Cỏ non thơm mãi dấu chân em”.

Nguyễn Đình Thi mang “chiếc lá số phận” cũng có “ngày đi của lá” (Lá đổ). Tuy nhiên, Trần Quang Quý đã tạc thần thái: “Chiếc lá của trời xanh/Chiếc lá để mà cây được đứng/Sự kiêu hãnh sau bao mùa thiên chức”. Nguyễn Đình Thi đã để lại cho đời khúc Hát say: “Chiếc lá vàng rơi trong gió bay/Vẫy chào non nước có hôm nay... Cây thông kia mãi hát say”.

“Lá đỏ”, “lá xanh”, “lá vàng” chỉ là những biểu tượng trạng thái, hình hài con người, đời người. “Lá đỏ” vẫn mãi bừng lên hồng thắm những “Giấc mơ” tuyệt đẹp - những ước mơ cao cả về lẽ phải, tình yêu và hy vọng.

(1), (2), (3) Nguyễn Đình Thi - Cuộc đời và sự nghiệp. Nhiều tác giả. 

PGS.TS. ĐOÀN TRỌNG HUY

Tin cùng chuyên mục