Nhà văn, nhà điện ảnh Lê Phương sinh năm 1933 (với tên gọi lúc khai sinh là Nguyễn Văn Tiến), tại làng Thiết Úng, thôn Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Ông tham gia quân đội năm 16 tuổi. Năm 20 tuổi, ông được cử gia nhập đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 23 tuổi, ông hoạt động trong Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng.
Trong thời gian từ 1963 đến 1978, 15 năm dành cho văn học, ông đã cho ra đời nhiều tiểu thuyết về đủ các lĩnh vực liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu như Pháo đài 44 (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965); Thung lũng Cô Tan (địa chất, 1973); Bạch Đàn (lâm nghiệp, 1975); Ngã Ba thời gian (thủy lợi, 1978); rồi Bông mai mùa lạnh, Vết xích đường mòn…
Năm 1977, nhà văn Lê Phương bén duyên cùng điện ảnh với vai trò tác giả kịch bản. Các tác phẩm điện ảnh mà ông đã góp phần viết kịch bản đều để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.
Những bộ phim do ông viết kịch bản như Nơi gặp của tình yêu, Câu lạc bộ không tên, Cơn lốc biển, Biệt động Sài gòn 4 tập (cùng với Nguyễn Thanh)… đều được nhớ đến như những bộ phim mẫu mực của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Giai đoạn từ sau 1990, nhà văn Lê Phương bắt đầu chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình dài tập mà ông thường gọi là "tiểu thuyết truyền hình" như Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ (một trong những bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam), Con nhện xanh, Ngã ba thời gian…
Ông đồng thời cũng được xem là "người thầy không đứng trên bục giảng" của nhiều biên kịch có tên tuổi như Dương Thu Hương, Hoàng Nhuận Cầm, Trịnh Thanh Nhã…
Tài hoa, trí tuệ, nhà văn Lê Phương đã sống trọn đời với đam mê và tình yêu.