Trên trang cá nhân, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: "Chiều nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa gọi điện thông báo cho tôi nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà: huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 81 tuổi"
Ông sinh năm 1942, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Thời kỳ đầu sự nghiệp, ông có nhiều sáng tác như truyện ngắn Người cầm súng (1970), tiểu thuyết Mở rừng (1976) - được xem là tác phẩm kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh. Bộ ba tiểu thuyết khẳng định vị trí của ông trên văn đàn là Thời xa vắng (1986), Chuyện làng Cuội (1991), Sóng ở đáy sông (1994)...
Ông từng đoạt giải Nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng, giải A Hội nhà văn Việt Nam năm 1990 cho tiểu thuyết Thời xa vắng...
Cúi đầu tiễn biệt tác giả Thời xa vắng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Nhà văn Lê Lựu là tác giả của những tác phẩm làm rung động đời sống văn học Việt Nam… Tiểu thuyết Thời xa vắng là một tác phẩm lớn với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác. Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954. Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.
Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài. Và Lê Lựu cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam.”