* PHÓNG VIÊN: Hồ sơ lửa có hàng trăm nhân vật nhưng không bị trùng lắp hay rối rắm. Ông làm cách nào để “nuôi” hàng trăm nhân vật với hàng trăm tính cách khác nhau?
- Nhà văn LẠI VĂN LONG: Theo kinh nghiệm của tôi, tất cả nhân vật phải xoay quanh một câu chuyện có thật thì khi đó sẽ trở thành một dòng chảy tự nhiên mà mình không cần phải nhớ nhiều, hay phải vất vả chỉnh đốn cho hợp lý. Cái khó là đan cài vào nhau thế nào để tạo ra xung đột kịch tính, mang đến sự hấp dẫn. Ngoài ra, mỗi nhân vật phải đại diện cho một thế lực, một thông điệp mà tác giả muốn mang đến cho người đọc.
Trên hết, tác giả phải yêu thương, cảm xúc mạnh mẽ với nhân vật thì dù nhiều hay ít, nhân vật sẽ hiện ra sống động, có đời sống, tính cách và tạo ấn tượng riêng cho độc giả. Trong sáng tác, có những giai đoạn tôi bị chìm đắm vào một giấc mơ và chữ cứ thế tuôn ra theo cảm xúc nên rất khó để định hình trước điều gì muốn viết. Lúc đó gọi là “trời sinh ra nhân vật” chứ không phải tác giả.
* Bộ tiểu thuyết dài 6 tập, mỗi tập là một câu chuyện khác nhau, được ông hoàn thành trong 5 năm. Trong khoảng thời gian tương đối dài, chưa kể, cuộc sống biến động từng ngày, ông đã nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác như thế nào?
- Tôi đã có quá trình chuẩn bị hàng chục năm cho Hồ sơ lửa. Đó là cả trăm bài báo viết về những vấn đề mà sau này thành nội dung trong Hồ sơ lửa. Vì vậy tôi viết rất nhanh, trong 5 năm (2016-2021) có thể viết được 6 tập với 2.400 trang sách chất lượng. Tôi viết bằng đam mê và cảm xúc tích lũy từ hàng chục năm trước nên câu chữ tuôn chảy theo “giấc mơ” đã có từ trước. Nhưng cũng có lúc tôi như đứng trước một vách núi sừng sững tưởng chừng không thể nào vượt qua được, nên rất áp lực. Tôi phải động viên mình giữ vững ý chí và nghe những bản nhạc gắn với kỷ niệm về những vấn đề mình sắp viết. Tôi không biết đánh máy nên chỉ viết trên giấy, rồi sau đó mới đi thuê người gõ lại.
* Đang thành danh với truyện ngắn, lý do gì ông lại chuyển hướng viết tiểu thuyết?
- Tiểu thuyết đầu tay của tôi là Thạch đế (NXB Văn học, 2009), được phát triển từ truyện ngắn cùng tên tôi sáng tác ngay sau khi viết xong Kẻ sát nhân lương thiện (cuối năm 1990) và để đến 19 năm mới xuất bản. Trong tác phẩm này, bạn văn và bạn đọc góp ý là nặng về triết học và lịch sử nên đọc rất khó, kén độc giả. Vì thế, sau này khi viết tiểu thuyết thứ hai là Đứa con thời hậu chiến, tôi đã thay đổi về phương pháp nên được đánh giá dễ đọc hơn. Từ sau năm 2015, tất cả tiểu thuyết của tôi như bộ Hồ sơ lửa, Chuyện tình Nam Ô, Á nhân… đều được viết theo cách hiện thực hơn, thậm chí mang cả tính thời sự.
Lý do tôi chuyển từ viết truyện ngắn sang tiểu thuyết là muốn thử khả năng của mình với những tác phẩm có nhiều nhân vật, nhiều vấn đề cần phản ánh và đa dạng về thông điệp hơn. Hơn nữa, với tiểu thuyết, tôi được tha hồ xây dựng các nhân vật mình yêu thích, nhất là các nhân vật nữ. Tôi yêu các nhân vật nữ của mình vô cùng.
* Có ý kiến cho rằng, chỉ có tiểu thuyết mới làm nên tên tuổi của nhà văn. Còn ông quan niệm như thế nào về tiểu thuyết?
- Tôi nổi tiếng từ truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện, dù truyện đó chỉ có 5.000 chữ. Sau này tôi viết nhiều tiểu thuyết với hàng chục vạn chữ, nhưng không có tác phẩm nào được dịch ra nhiều thứ tiếng, được giảng dạy trong nhiều trường đại học trong và ngoài nước. Có thể nói, tác phẩm đỉnh cao không thuộc về lượng mà thuộc về chất. Cho nên đừng nghĩ rằng viết được tiểu thuyết thì giỏi hơn người viết truyện ngắn. Có những tác phẩm rất ít chữ nhưng mỗi chữ đáng giá ngàn vàng và ngược lại.
* Anh từng chia sẻ luôn ước mơ mình viết được những tác phẩm phản ánh và tiên đoán được thời cuộc, lịch sử, đáp ứng được mong mỏi của người đọc. Đến bây giờ, sau hàng loạt tác phẩm ra mắt, anh đã sở hữu cho mình tác phẩm nào như vậy chưa?
- Truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện của tôi ra đời đầu thời đổi mới đã tiên đoán tranh chấp nhà cửa đất đai sẽ dẫn đến hệ lụy phức tạp về mặt xã hội, một khi đất nước ta phát triển kinh tế nhiều thành phần và đón nhận đầu tư từ nước ngoài. Trong một số tiểu thuyết, truyện ngắn khác, tôi cũng đã kín đáo gửi đi các thông điệp về nhiều vấn đề lịch sử, lý luận và thực tiễn.
* Hơn 30 năm ở trong làng văn, nhìn lại, ông có suy nghĩ gì?
- Tôi đã nỗ lực hết sức vì đam mê văn chương. Tôi cũng đã được nhiều giải thưởng văn học danh giá, kể cả kỷ lục Việt Nam. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho quá trình lao động miệt mài, đầy trách nhiệm. Tôi và gia đình rất hào hứng và hạnh phúc với những thành tựu như vậy. Xin cám ơn hơn 30 năm viết báo đã cho tôi kho báu vô giá là kiến thức và cảm xúc để tôi thực hiện được ước mơ văn chương của mình.
* Nhà thơ người Chi Lê Pablo Neruda từng chia sẻ: “Với tôi, viết là hít thở. Tôi không thể sống mà không hít thở và tôi không thể sống mà không viết”. Xin hỏi, viết là gì với ông?
- Mỗi quá trình sáng tác đối với tôi là một giấc mơ tuyệt đẹp. Mỗi tác phẩm được ra đời là tôi có thêm một tài sản tinh thần để động viên mình tiếp tục với con đường văn chương đã chọn. Ngoài viết văn ra, tôi chẳng thể làm gì khác với tâm thế lâng lâng hạnh phúc.