1. Nhà văn Kim Hài nghỉ hưu vào năm 2000. Cuộc sống về chiều của nhà văn Kim Hài khiến không ít người mơ ước. Bốn người con của nhà văn đều đã thành đạt và mỗi năm vào dịp tết, dù đang ở đâu cũng trở về quây quần bên cha mẹ. Trong căn hộ mà cả gia đình gắn bó cùng nhau suốt nửa thế kỷ qua, nay lại có thêm những tiếng nói cười râm ran của tám đứa cháu nội lẫn ngoại.
Có một chút xúc động trong tôi khi gặp nhà văn Kim Hài trong căn hộ của gia đình bà ở chung cư Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận, TPHCM). Là khi ấy, tôi nhớ ra mình từng đọc khá nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi lẫn tuổi mới lớn của bà. Đó là những tác phẩm: Cánh diều mơ ước, Cò trắng vườn chim, Ông bán tết, Những ô cửa sáng đèn, Trái tim vĩnh cửu… Giờ đây, những tác phẩm ấy được chủ nhân bảo quản trong ngăn tủ, kỹ lưỡng như một báu vật. Nhưng ngoài tôi ra, còn có rất nhiều độc giả từng đọc tác phẩm của nhà văn Kim Hài, bởi bà là nhà văn viết cho thiếu nhi được mến mộ từ trước năm 1975, cùng thế hệ với các tên tuổi như Minh Quân, Thùy An, Nguyễn Thái Hải…
Mặc dù được biết đến là nhà văn của hàng loạt tác phẩm dành cho thiếu nhi và tuổi mới lớn, nhưng nhà văn Kim Hài lại học ngành địa chất. Dù vậy, từ những năm tháng còn học ở ngôi trường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), bà đã thể hiện năng khiếu thiên bẩm của mình qua những sáng tác đăng tải trên các tờ báo dành cho học trò. Tốt nghiệp ra trường, bà làm phóng viên. Đó là khoảng thời gian bà được sống hoàn toàn trong môi trường văn chương và báo chí, cho bà nguồn cảm hứng dồi dào, để từ đó sáng tác nên nhiều tác phẩm được ra mắt trong giai đoạn này do NXB Tuổi Hoa ấn hành. Ngoài Trông về quê mẹ, bà có thêm Khúc Nam Ai (1971), Nắng lụa (viết chung với Thùy An, 1971), Người dưng khác họ (1972), Sắc lá xanh (1972), Cao như đỉnh Thái (1973), Cánh gió (1973), Gợn sóng (1974)…
2. Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống có nhiều biến động, một mặt vừa phải bươn chải để nuôi con, mặt khác, như nhà văn Kim Hài tự nhận, lúc đó bà chưa có nhiều vốn sống nên tình yêu văn chương nơi bà tạm thời phải ngưng lại. Thời gian ấy cũng ngót nghét 10 năm. Trong 10 năm ấy, bà làm đủ mọi nghề, từ làm guốc, mài guốc đến cắt phôi guốc, đứng máy cưa rồi mang đi bán. Rồi cuộc gặp tình cờ với người bạn cùng lớp ở trường Phan Châu Trinh, lúc đó đang làm việc ở Hãng phim Giải Phóng, với lời rủ rê tham gia viết kịch bản phim, trở thành động lực để bà quay trở lại với văn chương. Thêm vào đó là cuộc gặp gỡ với nhà văn Đoàn Thạch Biền (phụ trách Tủ sách Áo Trắng) cùng lời động viên của ông Lê Hoàng (Giám đốc NXB Trẻ khi đó): “Tụi em đang làm tủ sách viết cho tuổi mới lớn và thiếu nhi. Chị cứ viết đi, nếu phù hợp tụi em in!”.
Từ những cuộc gặp gỡ đó, những tác phẩm của nhà văn Kim Hài lần lượt được ra đời, được in và giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc. “Sau 10 năm, tôi ít nhiều cũng có vốn sống, có thể viết được rồi nên đã nhận lời. Và thực sự, sau một thời gian không viết, tôi cũng ngứa ngáy tay chân lắm”, nhà văn Kim Hài nhớ lại.
Cuộc trở lại với văn chương của nhà văn Kim Hài sau 10 năm vắng bóng đã mang đến những trái ngọt qua nhiều giải thưởng liên tiếp: Giải thưởng kịch bản văn học phim thiếu nhi do Hãng phim Trẻ TPHCM tổ chức với tác phẩm Giọt sương hèn mọn; giải B cuộc thi Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước lần I do NXB Trẻ và Hội Nhà văn TPHCM phối hợp tổ chức với tác phẩm Cánh diều mơ ước; giải 3 cuộc thi viết truyện ngắn cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UNICEF và Hội Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Việt Nam tổ chức với tác phẩm Ngày khai trường trong mơ…
Có lẽ, những giải thưởng trên là món quà đẹp đẽ đối với nhà văn Kim Hài sau những đêm miệt mài bên trang viết. Thời điểm đó, bà là nhân viên bán vé của Nhà Nghệ thuật quần chúng. Ngày đi làm, tối đến, sau khi lo chuyện cơm nước cho chồng cùng bốn con, bà lại ngồi vào bàn viết, từ 9 giờ tối đến 1- 2 giờ sáng. Thậm chí ban ngày, tranh thủ khoảng trống giữa hai suất diễn, bà lại ngồi viết, bất kể xung quanh ai đó làm gì hay nói cười huyên náo. “Tôi trân trọng những giải thưởng mà người ta trao cho mình. Và giống như mọi người, có giải thưởng tôi lại như được tiếp thêm động lực, thúc đẩy mình tiếp tục viết. Khi mình được viết, được đón nhận thì đó là một hạnh phúc. Mà khi đã có hạnh phúc, có ai mà không đi tiếp con đường đó”, nhà văn Kim Hài bộc bạch.
3. Tác phẩm gần nhất của nhà văn Kim Hài là truyện tranh Đêm Ok Om Bok do Room to Read phối hợp với NXB Kim Đồng xuất bản. Theo chia sẻ của nhà văn Kim Hài, thực ra trong máy tính của bà có nhiều tác phẩm cùng ở tình trạng… đang viết dở. Thậm chí, có những tác phẩm chỉ còn đoạn kết là hoàn thành, nhưng cuối cùng bà vẫn để chúng nằm lặng lẽ trong máy như vậy.
Ở vào tuổi 75, hẳn là có nhiều lý do để lý giải cho việc nhiều bản thảo ở tình trạng “đang viết dở”, nhưng lý do quan trọng nhất mà theo chia sẻ của nhà văn Kim Hài, đó chính là sự băn khoăn từ phía bà. Bà nói, những tác phẩm đó để lâu quá khiến bà có cảm giác chúng đã cũ, trong khi, đời sống của trẻ con bây giờ khác rất nhiều so với 5 năm hay 10 năm trước. Bà mang trong mình điều e ngại, sợ rằng những tác phẩm của mình không còn phù hợp với độc giả ngày nay. “Nếu muốn xuất bản, tôi phải làm mới lại. Trong khi đó, quỹ thời gian của tôi không còn nhiều. Điều này cũng làm cho mình có một chút hoang mang, muốn làm cho xong cái này nhưng cái kia cũng muốn”, nhà văn Kim Hài cho biết.
Đọc các tác phẩm của nhà văn Kim Hài, độc giả hẳn sẽ dễ dàng nhận thấy ở đó những câu chuyện dung dị, hiền hòa, nhân ái. Truyện của bà thiên về hiện thực, giúp các em nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, của đời sống cũng như vẻ đẹp của con người. Và đó chính là cách bà gieo những hạt mầm thiện lương vào tâm hồn các em. “Tôi không có tham vọng để cho các em phải suy nghĩ những gì sâu xa hơn. Với trẻ con, tôi nghĩ chính những điều đó mới là những điều nhân văn nhất mà chúng cần”, nhà văn Kim Hài bày tỏ.