Trong số những nhà văn đương đại, Hồ Anh Thái đang là nhà văn nhận được sự quan tâm và ngưỡng mộ bởi sức làm việc cũng như những tác phẩm mà ông mang lại. Chỉ vừa năm ngoái, với tiểu thuyết Đức Phật, Nữ chúa và điệp viên, ông dẫn dắt bạn đọc cùng chu du để khám phá con người và văn hóa Ấn Độ. Còn năm nay, ông lại đưa bạn đọc về lại Hà Nội thập niên 60, 70. Đó là một Hà Nội thời chiến, đầy gian lao nhưng nhưng không thiếu chất trữ tình.
Hà Nội không còn xa lạ trong văn chương, kể cả văn chương Hồ Anh Thái, bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và nghiên cứu. Trong mỗi tác phẩm, ông cặn kẽ khai thác Hà Nội ở những khía cạnh, chiều kích khác nhau. Trước đây là Hà Nội của thời hiện đại, một trong những đô thị sôi động bậc nhất; còn giờ đây là Hà Nội của những ngày “nhiều mây có lúc có mưa ngâu”.
Với tiểu thuyết mới nhất, nhà văn Hồ Anh Thái đưa người đọc ngược dòng thời gian để trở về Hà Nội của thời "nhiều mây có lúc có mưa ngâu" |
Nhà văn Hồ Anh Thái từng cho rằng: “Đọc tiểu thuyết tức là ta đang được sống nhiều cuộc đời. Nói cách khác, giúp người ta sống nhiều cuộc đời là đích đến của tiểu thuyết”. Cùng với tính chất hư cấu đặc hữu của tiểu thuyết và những chất liệu tưởng chừng vô cùng quen thuộc trong đời sống lịch sử-xã hội, ngòi bút Hồ Anh Thái đã khai mở và sinh sắc những vỉa tầng hiện thực sinh động trong hàng loạt sáng tác ghi dấu ấn với công chúng văn chương nhiều năm qua.
Ở khía cạnh này phải kể đến những Dấu về gió xóa, Trong sương hồng hiện ra, SBC là săn bắt chuột, Tự sự 265 ngày... Và với tiểu thuyết mới nhất: Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu, một lần nữa văn chương Hồ Anh Thái đã xóa nhòa những ranh giới về không gian, thời gian, cùng những làn ranh cụ thể khác để từ đó soi chiếu và trình hiện trước độc giả một hiện thực lịch sử đa chiều, biến động nhưng cũng đầy trình tự. Nó vừa gợi nhắc cái không khí trong trẻo thời Người và xe chạy dưới ánh trăng, vừa cho độc giả một ý thức về mạch nối trong thế giới sáng tạo của nhà văn. Một Hồ Anh Thái nhất quán mà không ngừng “đổi mới”.
Với tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Hồ Anh Thái, nhà nghiên cứu Võ Anh Minh nhận định: “Đã không ít lần viết về Hà Nội, truyện ngắn có, tiểu luận có, nhưng xem ra Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là một cách độc đáo để Hồ Anh Thái phác họa những chân dung đa chiều của Hà Nội thời chiến, gửi đến để chia sẻ với người đọc”.
Giống như ở một số tác phẩm trước, trong Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu, nhà văn Hồ Anh Thái cũng sử dụng yếu tố kỳ ảo. Tác phẩm khắc họa nhân vật Phan, một chiến sĩ trẻ có khả năng nhìn xuyên qua những bức tường và khả năng này của anh được khai thác nhằm phát hiện những hoạt động chống phá ngầm khi máy bay địch đang dội bom xuống thủ đô. Bên cạnh đó là người anh trai của Phan, một phi công chiến đấu trên bầu trời có một tình yêu giữ kín khi ở trên mặt đất. Và Thu, một nữ nghệ sĩ chăm sóc bốn con hổ xiếc xổng chuồng chạy ra đường phố sau trận bom.
Câu chuyện hiện thực và huyền ảo mở rộng dần ra, tái dựng không khí ở thủ đô Hà Nội những ngày tháng chống cuộc tấn công từ trên không của các kiểu pháo đài bay. Những con người bình thường, giản dị và kỳ lạ, tất thảy tạo nên gương mặt thủ đô trong những năm tháng bi hùng và trong những khoảnh khắc lãng mạn giữa bom đạn khốc liệt.
Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: “Bút pháp linh hoạt, tinh tế, hóm hỉnh, giàu khám phá bất ngờ và gần như phi cổ điển, đã khiến người đọc khó rời mỗi trang viết của Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu”.