Nhà văn Đoàn Lê: Các nhà văn Việt Nam phải tự tỏa sáng

Vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết Tiền Định tại Hà Nội, được nhiều người trong giới văn chương đánh giá cao, cũng đồng thời cuốn tiểu thuyết đã lọt vào chung khảo (2 cuốn) của Giải thưởng Văn Bách Việt; nữ nhà văn Đoàn Lê lại trở về ngôi nhà bên xóm núi Đồ Sơn, Hải Phòng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thú vị, cởi mở với nhà văn Đoàn Lê.
Nhà văn Đoàn Lê: Các nhà văn Việt Nam phải tự tỏa sáng

Vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết Tiền Định tại Hà Nội, được nhiều người trong giới văn chương đánh giá cao, cũng đồng thời cuốn tiểu thuyết đã lọt vào chung khảo (2 cuốn) của Giải thưởng Văn Bách Việt; nữ nhà văn Đoàn Lê lại trở về ngôi nhà bên xóm núi Đồ Sơn, Hải Phòng. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thú vị, cởi mở với nhà văn Đoàn Lê.

- Phóng viên: Sau tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại ra mắt năm 1990, được giải A của Hội Nhà văn; tiếp đến là các cuốn Thành Hoàng làng xổ số, Trinh tiết xóm Chùa; rồi các tập truyện, truyện Lên ruồi, Nghĩa địa xóm Chùa, Người đẹp xóm Chùa, Giường đôi xóm Chùa...; diễn viên điện ảnh, họa sĩ, nhà thơ, nhà biên kịch Đoàn Lê trở thành nhà văn độc đáo và khá lạ (cả sự nghiệp và đời riêng) với một giọng điệu riêng, chị có nghĩ thế không?

Nhà văn Đoàn Lê

Nhà văn Đoàn Lê

Nhà văn ĐOÀN LÊ: Tôi chưa bao giờ nghĩ và cho rằng mình là thế này, thế kia... Vận động là quy luật của cuộc sống, mình cũng không ra khỏi quy luật nghiệt ngã của cuộc sống, chỉ có điều ở mỗi người, mỗi số phận phải bươn chải ra sao để tồn tại mà thôi. Tôi là một phụ nữ, như nhiều người hay nói, đa đoan. Viết văn cũng là lẽ tự nhiên trong con người tôi, còn thành công đến đâu là do cuộc đời phán xét. Tôi thường viết những gì mình đã trải qua, trải nghiệm, may nhận được sự ủng hộ của các nhà văn và công chúng.

Nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét: Một điều đáng kể nữa ở Cuốn gia phả để lại là ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ dịu dàng nền nã mà hóm hỉnh, được tiếp tục ở những tác phẩm văn học sau này của Đoàn Lê. Khi tập truyện Trinh tiết xóm Chùa được dịch ra tiếng Anh và giới thiệu với công chúng Mỹ, bình luận của Tạp chí Consonrtium Distributors (Nghiệp đoàn xuất bản) đánh giá rất tốt: Đoàn Lê được ghi nhận ở phong cách đa dạng và sức sáng tạo tươi mới.

Với giới học giả, những truyện ngắn này cho một cái nhìn vào bên trong văn hóa Việt Nam sau đổi mới. Với người đọc nói chung, đây là những tác phẩm bao quát và đầy nhân văn về những đề tài như lòng tham, hôn nhân, ly dị, tuổi già; đó là những tác phẩm về quyền con người, khảo sát tất cả những gì bí ẩn tinh tế của trái tim con người.

- Tuy ở một nơi như “ẩn dật” nhưng chị vẫn am tường những hoạt động văn nghệ trong nước và thế giới. Theo chị, các nhà văn Việt Nam hiện nay thế nào?

Viết văn yên tĩnh là điều rất cần thiết, nhưng “đói” thông tin thì gay. Những năm gần đây và nhất là trong năm 2009, tôi nhận thấy các nhà văn của ta đang rất chú ý đổi mới mình. Tình hình của nền văn học Việt Nam cũng vậy, đang có sự vận động, chuyển động, chẳng hạn như tổ chức Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam vào những ngày đầu của năm 2010. Lâu nay văn học của ta cứ quẩn quanh ở môi trường quen thuộc trong nước, bây giờ chúng ta phải hòa vào dòng chảy nhân loại thì mới biết được ta như thế nào và ta đang ở đâu...!

Hiện nay trong môi trường của thời hội nhập, không khí xã hội và đời sống cởi mở hơn trước rất nhiều. Thông tin và các loại thông tin ùa vào ta thật ghê gớm và phong phú. Tất nhiên, trong lĩnh vực văn hóa, văn học chúng ta được hưởng rất nhiều, thế giới có cái gì một vài hôm sau chúng ta cũng có, thậm chí còn ngang bằng hoặc nhanh hơn, ví như xem phim ấy tôi thấy quảng cáo ở Mỹ chưa phát hành mà ta đã được xem... Nhiều tác phẩm văn chương của thế giới ngay lập tức có mặt tại nước ta, mừng quá chứ.

Nhưng cũng từ tình hình ấy, các nhà văn Việt Nam cũng phải có những thay đổi, nếu ta tự bằng lòng với ta tức là ta đã lạc hậu rồi, dĩ nhiên giá trị văn chương là không lệ thuộc thời gian, thời đại... Tôi nghĩ rằng các nhà văn Việt Nam phải tự tỏa sáng, và đáng mừng hình như chúng ta đang theo hướng đó, như một câu danh ngôn đã quá quen thuộc: “Ta tư duy là ta tồn tại”.

- Đội ngũ nhà văn trẻ của ta có vẻ “âm thịnh dương suy”- các cây bút nữ thành danh và tung hoành hầu hết văn đàn. Là nhà văn nữ U60 – sinh 1943, chị nghĩ sao?

Đội ngũ nhà văn nữ nước ta hiện nay khá hùng hậu và sắc nét, mỗi người mỗi vẻ, đặc biệt các nhà văn trẻ đang rất thành công. Văn học của chúng ta hôm nay có nhiều diễn đàn để thông tin và chuyển tải, lĩnh vực văn học mạng đang phát triển rất mạnh; đó chính là một trong nhiều yếu tố nhanh chóng đưa văn học của ta tiếp cận với thế giới.

Thực ra, ở ta thời nào cũng có những nhà văn nữ thành công. Tôi thích Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà...Vài năm gần đây, một số cây bút trẻ rất có nội lực như Dương Thụy hứa hẹn tốt, Di Li có hơi già nhưng tiềm năng ghê gớm đấy... Còn chuyện nhà văn nữ nhiều hay nam nhiều không phải là vấn đề quan trọng. Cái cốt yếu là ở giá trị của sản phẩm làm ra.

Các cây bút trẻ của ta hôm nay được cái thông minh, nhanh nhạy, nhiều người sáng tác rất nhanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ họ cũng cần chú ý tới các vấn đề khác như sự trải nghiệm, vốn sống và đặc biệt là ngôn ngữ, chữ nghĩa. 90 tuổi như nhà văn lão thành Tô Hoài mà vẫn chăm chỉ học chữ nghĩa từ đời sống. Chữ nghĩa làm nên sự khác biệt giữa người này với người kia.

- Vừa ra mắt tiểu thuyết Tiền Định tại Hà Nội, ngày 8-3-2010, chị lại khai mạc phòng tranh Mùa xuân tại Hải Phòng, chị đang nặng về viết hay vẽ?

Cuốn Tiền Định tôi viết trong ba năm, cứ nhẩn nha viết thôi và những khoảng ngắt quãng là viết truyện ngắn. Vẽ cũng vậy, vẽ thể hiện tính tư tưởng của nhà văn rất mạnh mẽ, tức là cái tôi ấy. Hội họa thường mang đến cho nhà văn những cảm xúc văn chương mới. Tôi vẽ những khi xúc cảm đến. Hiện tại tôi đang viết cuốn sách mới mang tên: Nhật ký người đã tự sát.

- Nhiều người biết bài hát Chị tôi của nhạc sĩ Trọng Đài với lời ca: Thế là chị ơi/ Rụng bông hoa gạo/ Ô hay trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh... Nhạc sĩ Trọng Đài đã phổ nhạc bài thơ Cho một ngày sinh của Đoàn Thị Tảo, em gái chị. Bài thơ thật xúc động và nói được hết những truân chuyên, nỗi niềm của Đoàn Lê!

Đúng vậy, nhiều người đều nói thế. Tôi nghĩ ở đây sự cộng hưởng của âm nhạc và thơ ca đã được tỏa sáng.

- Cảm ơn chị và mong sớm được xem tranh mới của chị.

Cao Minh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục