PV: Ông từng cho rằng, viết truyện ký Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ là một cái duyên. Tại sao lại như vậy?
Nhà văn ĐỖ VIẾT NGHIỆM: Việc viết sách về cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đúng là một cái duyên. Trước đó, tôi tặng tiểu thuyết Symphony ký ức Đồng Khởi ở Boston cho gia đình bác sĩ, thông qua con gái của ông là cô Trần Kiều Lan. Sau đó, cô Trần Kiều Lan ngỏ lời đề nghị tôi viết một cuốn sách về cha mình. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào tháng 5-2020, lúc đó tôi cũng chưa dám nhận lời ngay. Bởi tôi đã nghe danh tiếng về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhưng chưa thực sự hiểu về con người, nhân cách của ông. Cho đến khi nghe gia đình kể, tôi nhận ra ông thật sự là một nhân cách lớn. Ông là thầy thuốc, nhà văn, nhà giáo, mà lĩnh vực nào cũng xuất sắc. Từ sự cảm phục và yêu mến bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tôi quyết định nhận lời viết sách về ông.
Ông phải mất một tháng để nghĩ ra tên sách?
Tôi thường phải nghĩ ra tên sách rồi mới viết được. Khi đọc tài liệu về cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tôi thấy cuộc đời của ông thăng trầm và cao cả. Đọc xong các tài liệu, tôi nhận ra ông đúng là “kẻ sĩ”, không thể khác được. Có điều, nếu lấy là “kẻ sĩ Gia Định” hay “kẻ sĩ Nam bộ” thì lại trùng với người khác. Cuối cùng, sau một tháng, tôi quyết định lấy tên Đời là kẻ sĩ, cái tên này chẳng những Gia Định, Nam bộ mà có tầm rộng mở, xứng đáng với con người Trần Hữu Nghiệp hơn.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp về cõi vĩnh hằng vào năm 2006. Không được tiếp xúc trực tiếp với nhân vật, khi viết, ông phải dựa vào nguồn tư liệu nào?
Tôi có một thuận lợi khi viết cuốn sách này, ấy là nguồn tư liệu về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ngồn ngộn qua các tác phẩm, bài báo viết về ông. Tôi sử dụng tư liệu trong các cuốn sách của ông là chính. Ngoài giảng dạy, chữa bệnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn viết hàng chục đầu sách các loại. Tuy nhiên, có một vấn đề là nguồn tư liệu nhiều nhưng nếu viết không khéo sẽ rơi vào tình trạng nói lại, rất không hay.
Rất may mắn, tôi có thêm nguồn tư liệu nữa, để bổ sung cho nguồn tư liệu trên. Đó là những nhân chứng còn sống, họ là học trò của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp như Đoàn Thúy Ba, Tạ Thị Trung, Huỳnh Liên Đoàn. Đặc biệt là nguồn tư liệu từ gia đình thông qua con cháu của bác sĩ Nghiệp. Trong sách có câu chuyện, chi tiết chưa được công bố và không phải ai cũng biết. Đó là nhờ nguồn tư liệu do Đại tá, bác sĩ Trần Văn Lễ (cháu ruột của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp) cung cấp.
Tiếp xúc với nguồn tài liệu phong phú về cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, ông ấn tượng nhất với nhân vật ở điều gì?
Ông là một trí thức lớn, suốt cuộc đời, khi làm việc gì, ông không bao giờ nghĩ sau này sẽ được cái gì. Tôi ngẫm lại cuộc đời, có rất nhiều người làm được như ông, nhưng cũng có không ít kẻ vì một lý do nào đó lại tự đánh mất mình, thậm chí “đổi màu” một cách đáng tiếc. Nhân cách của ông lớn vì ông coi vật chất là tầm thường, không đoái hoài đến chuyện đãi ngộ, bổng lộc. Ông là thầy của các giáo sư, tiến sĩ, nhưng ông cũng chỉ là Nhà giáo nhân dân, mà cũng do học trò của ông làm hồ sơ…
Ông là người Bắc, trong khi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lại rặt Nam bộ. Khác biệt này có gây khó cho ông khi viết về nhân vật của mình?
Tôi là người Bắc nhưng đây là cuốn sách thứ 3 viết về Bến Tre. Cái khó nhất của tôi đúng là phải xử lý ngôn ngữ Nam bộ như thế nào để thuyết phục được bạn đọc. Việc này là một áp lực không nhỏ đối với một người viết gốc Bắc như tôi. Tôi nhận thức được điều này và đã rất cẩn trọng, tuy nhiên vẫn không thể tránh được thiếu sót. Đến cuốn sách này, tôi cố gắng hạn chế thiếu sót ở những lần trước để truyền tải cho đúng với ngôn ngữ, tập quán và văn hóa Nam bộ.
Hoàn thành cuốn sách dày hơn 400 trang ở độ tuổi hơn 70, mọi thứ với ông, có dễ dàng không?
- Cũng không có khó khăn gì. Bởi tôi đã nghỉ hưu chục năm nay, thời gian khá nhàn rỗi, không phải lo lắng đến chuyện cơm áo gạo tiền nên chỉ tập trung vào viết. Dù không chủ quan nhưng may mắn là đến tuổi này tôi cũng không có bệnh tật, ốm đau gì. Tôi vẫn đi trên từng cây số, ai gọi đi đâu là lấy xe chạy đi liền. Tôi tự chạy xe máy mấy chục cây số sang Đồng Nai gặp gỡ bạn bè, tìm tư liệu. Riêng Bến Tre mỗi năm tôi đi tới 5, 6 lần bằng xe thuê hoặc xe đò. Nói không khách sáo, Bến Tre tôi thông thạo hiểu biết còn hơn cả quê tôi ngoài Bắc. Với cuốn sách này, tôi đi thực địa 2 lần, cùng với gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp về Ba Tri, ra tận bến Ngao Châu.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rất yêu thích câu nói lừng danh của nhà văn, chiến sĩ Pháp Paul Vaillant Couturier: “Nếu được làm lại cuộc đời, tôi sẽ chọn con đường đã đi trước đây”. Còn ông, với gần 30 năm gắn bó với văn chương, nếu được chọn lại, ông có muốn thay đổi?
Chắc chắn tôi vẫn sẽ gắn bó với văn chương và gắn bó với đề tài chiến tranh cách mạng. Văn chương đem lại cho tôi hạnh phúc lớn nhất là viết được, nói lại được những gì mình đã trải qua. Cuộc đời tôi gắn liền với sự chuyển biến của đất nước qua những biến cố lớn nhỏ. Mong muốn của tôi là thông qua ngòi bút, dù ít dù nhiều, người ta, nhất là giới trẻ hôm nay sẽ biết về những cuộc chiến tranh của đất nước. Văn chương với tôi là nghiệp nên tôi cũng không muốn thay đổi gì.