Không chỉ thể hiện sức hút của mình qua tác phẩm, nhà văn Diêm Liên Khoa còn thu hút những người có mặt qua cách trò chuyện dung dị, dí dỏm với kiến văn rộng mở. Bằng chứng là 2 chương trình giao lưu tại Hà Nội và TPHCM đều nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người.
Sinh ra tại thôn Trang là một may mắn
Nhà văn Diêm Liên Khoa, sinh năm 1958 tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Không chỉ được biết đến và yêu thích ở trong nước, ông còn được đánh giá cao trên thế giới: 2 lần đoạt giải thưởng Văn học Lỗ Tấn, giải thưởng Văn học Lão Xá, giải thưởng Hồng Lâu Mộng, giải thưởng Văn học Kafka, giải thưởng Văn học dịch của Pháp, lọt vào chung khảo giải Man Booker quốc tế.
Đặc biệt, vào năm 2017, ông còn có mặt trong danh sách đề cử giải Nobel Văn học bên cạnh những cái tên đình đám như Haruki Murakami, Ngũgĩ wa Thiong’o, Margaret Atwood… (năm đó, cái tên được vinh danh là Kazuo Ishiguro - tiểu thuyết gia người Anh gốc Nhật Bản).
Dù chưa có may mắn được xướng tên tại giải Nobel Văn học, nhưng từ lâu tên tuổi của Diêm Liên Khoa đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Tác phẩm của ông được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn, Anh, Đức… Trong sự nghiệp của mình, ông đã viết hơn 10 cuốn tiểu thuyết, gần 40 tập truyện ngắn và hơn 20 cuốn tản văn viết riêng và chung với các tác giả khác. Tại Việt Nam, Diêm Liên Khoa được biết đến qua các tác phẩm đã xuất bản như: Kiên ngạnh như thủy, Phong nhã tụng, Người tình phu nhân sư trưởng, Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn, Đinh Trang mộng; sắp tới là Tứ thư.
Trong chương trình giao lưu tại khoa Văn học (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM), nhà văn Diêm Liên Khoa tự nhận mình không tài hoa hơn bất kỳ nhà văn nào khác nhưng điều khiến ông cảm thấy may mắn chính là được sinh ra tại thôn Trang. Lúc Diêm Liên Khoa còn nhỏ, thôn Trang của ông có hơn 2.000 người nhưng nay đã gần 8.000 người. Dần dần ông nhận ra thôn Trang của mình chính là trung tâm của thế giới, cùng với đó là câu hỏi: Thượng đế khiến anh trở thành nhà văn là để anh làm gì?
“Tôi suy nghĩ mãi về điều đó suốt mấy chục năm. Rút cuộc, tôi hiểu Thượng đế khiến tôi trở thành nhà văn là để nói với mọi người rằng: Thôn tôi là trung tâm thế giới. Khi tôi hiểu điều Thượng đế muốn tôi làm thì tôi hiểu mối quan hệ của tôi với thôn Trang. Khi tôi hiểu ra được ý định của Thượng đế, tôi quyết định dành cả đời viết về thôn Trang. Thôn tôi mỗi khi xảy ra chuyện gì đều là sự kiện trọng đại của thế giới. Bất kỳ sự việc lớn lao nào của thế giời đều có trong thôn tôi. Mỗi khi có chuyện gì lớn trên thế giới đều có đối ảnh trong thôn tôi”, nhà văn Diêm Liên Khoa bày tỏ.
Không ngừng cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết
PGS-TS Đoàn Lê Giang cho rằng, điều khiến ông yêu thích và khâm phục Diêm Liên Khoa, chính là dù đang sống ở Trung Quốc nhưng trong các tác phẩm của mình, Diêm Liên Khoa mạnh dạn nói về Trung Quốc với tinh thần phê phán và rất hài hước. Tính chất hài hước và tinh thần phê phán sâu sắc và mạnh mẽ như vậy có thể thấy ở Lỗ Tấn, hay ở Bá Dương với thể loại tiểu luận tự phê phán Trung Quốc hẹp hòi và lạc hậu. Trong khi đó, ở Việt Nam chưa quen với cách tự phê phán như vậy.
Đáp lại ý kiến này, nhà văn Diêm Liên Khoa cho biết: “Tại Trung Quốc đang có nhiều người viết về những câu chuyện xán lạn của đất nước thì cũng nên có người viết về những câu chuyện trong bóng tối. Khi chúng ta nhìn thêm mặt tối, sẽ khiến chúng ta trân trọng hơn những câu chuyện của mặt sáng. Lúc nhìn thấy tội ác mới giúp chúng ta nhìn thấy giá trị của tình yêu giữa người với người. Thực ra, tôi cũng không hoàn toàn tập trung viết về bóng tối mà vẫn có ánh sáng le lói trong bóng tối đó. Chẳng hạn trong Đinh Trang mộng, dù có quá nhiều tội ác nhưng chúng ta vẫn tìm thấy chút ánh sáng le lói. Điều này thể hiện rõ nhất ở nhân vật ông già họ Đinh, chính là tượng trưng cho tình yêu ở trong đó”.
Theo tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh, Diêm Liên Khoa là một trong những nhà văn viết hay nhất Trung Quốc hiện nay, không chừng còn hay hơn Mạc Ngôn - nhà văn đoạt giải Nobel Văn học năm 2012.
“Diêm Liên Khoa là nhà văn tôi đọc gần đây và rất ấn tượng vì 2 lẽ: Thứ nhất, những vấn đề ông đề cập trong tác phẩm rất có tư tưởng, rất dũng cảm, rất trực diện; đặc biệt là chính trị và cuộc sống người dân. Thứ hai, bút pháp của ông phải nói là đặc biệt, vừa giễu nhại, vừa hiện thực, vừa hoang đường (huyền ảo)”, tiến sĩ Trần Lê Hoa Tranh nói.
Tôi đã đọc Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh và tôi cảm thấy xúc động và kinh ngạc. Tôi không tin có bất kỳ một nhà văn Trung Quốc nào, bao gồm cả tôi có thể viết về chiến tranh hay hơn Bảo Ninh. Ông đã viết về sự tàn khốc của chiến tranh, nói được những điều vượt ra ngoài văn học. Nhà văn Trung Quốc hiện nay không thể viết về chiến tranh. Vì ở Trung Quốc hiện nay, mọi người vẫn đang theo đuổi các nền văn học Mỹ, châu Âu mà lơ là các nền văn học rất giá trị xung quanh mình như văn học Việt Nam hay các nước Đông Nam Á khác. Đối với văn học Trung Quốc, chúng tôi không tự tin một chút nào, bởi vì chúng tôi quá thần tượng văn học Âu Mỹ. Tôi hy vọng, tôi và độc giả Trung Quốc sẽ có cơ hội được đọc thêm nhiều tác giả của Việt Nam”, nhà văn Diêm Liên Khoa chia sẻ khi đề cập đến văn học của Việt Nam. |
Dịch giả Minh Thương - người đã chuyển ngữ các tác phẩm của Diêm Liên Khoa như Kiên ngạnh như thủy, Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn, Đinh Trang mộng sang tiếng Việt, cho rằng có 2 điều khiến Diêm Liên Khoa trở thành tên tuổi lớn: Ông là nhà văn có tư tưởng riêng trong sáng tác. Với cuốn Khám phá tiểu thuyết, Pháp đánh giá mấy chục năm nay mới lại gặp một nhà văn Trung Quốc có tư tưởng như vậy. Điều thứ hai chính là Diêm Liên Khoa không ngừng cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết. Mỗi tác phẩm của ông đều là sự đột phá trong phương thức sáng tạo.
Ngoài 5 tác phẩm đã xuất bản, trong một chia sẻ, nhà văn Diêm Liên Khoa cho biết hiện đã có đơn vị ký kết với ông sẽ xuất bản 5 cuốn tiếp theo tại Việt Nam.
Ông cho biết: “Tôi nói với đơn vị này, cho dù 5 cuốn hay 50 cuốn cũng không quan trọng, mà tôi chỉ hy vọng có thể xuất bản được cuốn Khám phá tiểu thuyết. Việc xuất bản được bao nhiêu bản, kiếm được bao nhiêu tiền với tôi không quan trọng; vì đây là cuốn về lý luận tiểu thuyết. Tôi biết, phía công ty xuất bản cũng không kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng tôi rất hy vọng được giới thiệu đến độc giả Việt Nam cuốn sách này. Nếu nhà xuất bản nào xuất bản cuốn sách này, tôi sẽ rất biết ơn nhà xuất bản đó”.