Chiều ngày 19-12, tại Nhà sách Cá Chép (223 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), nhà văn Di Li vừa có giao lưu với độc giả TPHCM nhân dịp ra mắt bộ đôi tùy bút ẩm thực Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa và Nửa vòng Trái đất uống một ly trà do Thaihabooks và NXB Lao Động ấn hành.
Nữ nhà văn Di Li thuộc thế hệ 7X, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Chị là một trong những tên tuổi nổi bật của văn đàn đương đại. Và đặc biệt, tác phẩm của chị luôn có sự biến hóa qua nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, tiểu thuyết trinh thám, du ký, tản văn… Và giờ đây, Di Li cũng là một trong những nữ nhà văn hiếm hoi theo đuổi đề tài ẩm thực.
Vốn dĩ lâu nay, đề tài ẩm thực dù không nhiều nhưng cũng đã định danh với những tên tuổi lừng lẫy như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn. Về sau này có thêm Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng, Đỗ Phấn… Họ đều là nam giới. Điều này vô tình đặt ra cho những người đi sau một áp lực không nhỏ khi theo đuổi thể loại tùy bút ẩm thực.
Bộ đôi tùy bút ẩm thực của nhà văn Di Li, đánh dấu một bước thay đổi trong gia tài văn chương của chị Tuy nhiên, nhà văn Di Li lại không gặp áp lực này. Chị chia sẻ: “Khi viết, tôi cũng không cố gắng phải viết khác các bậc tiền bối. Bởi vì bản thân mỗi nhà văn đã là một phong cách, cá tính rồi. Trước giờ, thế mạnh của Di Li là văn phong hài hước. Tôi nghĩ rằng, khi mình muốn ăn một món ăn nào đó thì bữa ăn đó trước hết phải vui. Còn bữa ăn nào mà trầm, không vui thì tự dưng miệng mình cảm thấy đắng, không thấy ngon nữa. Chính vì vậy, cuốn sách này được viết theo giọng văn hài hước”.
Có một thực tế là từ trước đến nay, các nhà văn thường viết về món ăn của miền Nam hay Hà Nội, còn các vùng miền khác vẫn còn là một khoảng trống. “Tôi cũng không biết tại sao các nhà văn lại bỏ qua món ăn của các vùng miền khác. Trong cuốn Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa, tôi viết về các món ăn ở tất cả các vùng, từ miền núi cho đến đồng bằng, miền biển cho đến cao nguyên, từ Tây Bắc cho đến Đồng bằng sông Cửu Long. Còn cuốn Nửa vòng trái đất uống một ly trà là món ăn ở các lục địa Âu, Á, Phi”, Di Li bày tỏ.
Theo nhà văn Di Li, so với Thái Lan thì khẩu vị ẩm thực của Việt Nam phong phú hơn nhưng khâu quảng bá thì kém chuyên nghiệp hơn Theo chia sẻ của Di Li, hai cuốn sách chứa đựng các món ăn, không hẳn là những món ăn ngon mà là những món ăn tạo nên cảm xúc. Thậm chí, có những món ăn mà với Di Li là “rất kinh” như sữa chua trộn với hành sống ở Ba Lan, cũng được chị viết về với cảm xúc và sự tinh tế, nhanh nhạy của nhà văn.
Đặc biệt, theo Di Li, mỗi một món ăn có thể nói lên đặc tính, tính cách của dân tộc đó. Vì vậy, đọc Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa và Nửa vòng Trái đất uống một ly trà, người đọc không chỉ hiểu về món ăn mà còn biết thêm về căn tính của mỗi địa phương, mỗi dân tộc thông qua món ăn đó. “Mỗi một món ăn là một thông số mà có thể đọc lên được rất nhiều thông điệp, hồn cốt của một dân tộc”, Di Li cho biết.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền (phải) và nhà thơ Lê Minh Quốc tại chương trình giao lưu ra mắt sách của nhà văn Di Li Trong vai trò là một MC của chương trình, nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ: “Di Li là nhà văn viết về món ăn ngon đến độ chúng ta đọc mà có cảm giác đang thưởng thức món ăn đó ở trước mặt. Ở đó có hương hoa, mùi, vị của món ăn”.
Là một người đi nhiều, từng thưởng thức đồ ăn thức uống của nhiều quốc gia khác nhau, nhà văn Di Li cho rằng, khẩu vị đồ ăn của Việt Nam còn phong phú hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Thái Lan. Có điều, thế giới biết nhiều đến ẩm thực Thái Lan, và trong top 50 đồ ăn trên thế giới do độc giả bình chọn trên CNN hàng năm thì đồ ăn của Thái Lan luôn được xếp ở thứ hạng cao, bởi khâu quảng bá đầy chuyên nghiệp.
Đạo diễn Ngô Quang Hải (trái) đến chia vui cùng nhà văn Di Li “Còn chúng ta, do tiếp thị kém và không chuyên nghiệp trong nấu ăn, phong độ rất trồi sụt khiến cho ẩm thực của Việt Nam không đạt thứ hạng cao trên thế giới. Điều này diễn ra ở nhiều lĩnh vực như điện ảnh, thể thao, âm nhạc không riêng gì ẩm thực”, nhà văn Di Li nhận định.
HỒ SƠN