Đó là chủ đề tư tưởng xuyên suốt trong 50 tập kịch bản phim truyện Cao hơn bầu trời của nhà văn, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Hãng phim Giải Phóng đã bấm máy ngày 7-11-2012. Đây là khúc tráng ca bất tử về những người lính Phòng không - Không quân (PK-KQ) đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Chúng tôi đã có cuộc trò truyện với nhà văn, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc.
- PV: Đề tài chiến tranh cách mạng là một đề tài khó, cảm nhận của anh về vấn đề này như thế nào?
>> Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc: Chiến tranh là một mảng đề tài lớn và cực khó. Vì vậy, khó nhất vẫn là viết sao cho hay, cho hấp dẫn. Nhân vật thì người viết có thể hư cấu, song bối cảnh phải thật. Đặc biệt lời thoại trong phim phải ngắn gọn, ngôn ngữ làm sao bật lên được tính cách nhân vật. Phim chiến tranh không đơn thuần chỉ kể lại diễn biến các trận đánh theo kiểu ùng oàng, “ta thắng địch thua”, vì nếu vậy chắc chẳng có ai buồn xem. Có điều, chiến tranh chẳng bao giờ đi liền với tình yêu và hạnh phúc, bởi nó luôn là nỗi đau giằng xé khôn nguôi. Tựu trung, vấn đề cốt lõi của phim vẫn phải xoay quanh số phận con người với nhiều cảnh đời éo le, trắc trở, song cũng đầy chất bi tráng.
- Anh đưa đề tài chiến tranh vào phim này như thế nào?
Đây là bộ phim dài hơi về cuộc sống chiến đấu của quân và dân Hà Nội, với nòng cốt là bộ đội PK-KQ. Nhân vật trong phim đa dạng, từ các tướng lĩnh ở Tổng hành dinh, đến các cán bộ lãnh đạo Quân chủng PK-KQ và các binh chủng: Tên lửa, Không quân, Ra đa… Họ là sĩ quan chỉ huy, phi công tiêm kích, sĩ quan điều khiển tên lửa, trắc thủ ra đa… những con người mưu trí, sáng tạo và dũng cảm vô song trong chiến đấu, hào hoa trong cuộc sống đời thường, mãnh liệt và đằm thắm trong tình yêu. Sát cánh với những người lính là các nữ tự vệ và những người dân Hà Nội. Có thể nói các nhân vật trong phim là những con người “sống chết với Thủ đô”. Cuộc chiến trong phim là cuộc chiến giữa mặt đất với bầu trời, giữa bầu trời với bầu trời.
- Trong 50 tập phim đã hoàn thành, tập nào để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?
Có thể nói, tập đầu tiên là tập cực kỳ khó khăn và thử thách. Phải viết như thế nào để khơi mở cho được mạch nguồn, bố trí, định hình các tuyến nhân vật ra sao? Bối cảnh như thế nào? Sự kiện lịch sử có thật, nhân vật hư cấu mang tính biểu trưng, song mỗi người trong số họ đều có đời sống riêng và có số phận riêng. Tôi chú trọng khai thác hình tượng những người con ưu tú của miền Nam tham gia đánh giặc trên đất Bắc. Đây là điều mới mẻ và xúc động.
Nhiều tập, khi viết xong, thú thật tôi không cầm được nước mắt. Bởi các nhân vật đã sống hết mình, yêu hết mình. Họ chiến đấu cực kỳ dũng cảm, và nhiều người trong số họ đã hy sinh rất oanh liệt. Máu xương của họ đã góp phần điểm tô cho chiến thắng của cả dân tộc. Bầu trời vốn đã tít trên cao, song tôi nghĩ cao hơn bầu trời là Tổ quốc Việt Nam, là ý chí và trí tuệ của con người Việt Nam. Đó là chủ đề tư tưởng xuyên suốt 50 tập phim.
- Nghe nói có thông tin mới nhất về bộ phim này?
Ngày 21-3-2013, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Bộ VH-TT-DL vừa có quyết định đưa kịch bản bộ phim truyện truyền hình lịch sử nhiều tập Cao hơn bầu trời vào kế hoạch sản xuất phim truyện năm 2013. Bộ phim có nguồn kinh phí do Nhà nước đặt hàng chiếm 70%, nguồn xã hội hóa chiếm 30%. Dự kiến, bộ phim sẽ phát sóng trên kênh VTV1 từ 8-10-2013.
Nguyễn Trung Trực (thực hiện)