Sau mấy tháng “ai ở đâu, ở yên đó”, trở lại văn phòng Hội Nhà văn TPHCM, tôi nhận được quà tặng là những sáng tác mới của nhiều tác giả. Đọc qua số sách mới, có những quyển tôi thấy cần được giới thiệu rộng rãi cho đồng nghiệp cũng như cho bạn đọc tìm đọc và chia sẻ. Trong số sách mới này cũng có những tác phẩm đã được giới thiệu trên một số báo và cũng đã... trôi qua, như dòng trạng thái lướt đi mỗi giây.
Tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần. Khi được xuất bản, sách cũng là thứ hàng hóa, chúng được bán và mua. Đã là hàng hóa thì phải được chào bán, mọi lúc mọi nơi. Bật tivi, mở laptop, lướt điện thoại là các loại hàng hóa lũ lượt tràn vào. Thử đếm xem Muôn kiếp nhân sinh, quyển sách tiêu thụ với số lượng khủng mỗi ngày hiện lên trước mắt chúng ta bao nhiêu lần? Mỗi ngày cái tên Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư hiện ra trước mắt ta bao nhiêu lượt? Một rừng sách xuất khỏi xưởng in mỗi ngày thì có được mấy quyển lưu lại vài giây trên trang báo, trên làn sóng phát thanh, truyền hình hay trên dòng thời gian?
Vì sao vậy? Do sách không hay, không có sức lan tỏa? Do một đội ngũ cầm bút kém cỏi, bất tài? Do nhà xuất bản chỉ quen đầu tư quảng bá vào những tên tuổi quen thuộc nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh? Hay do người viết chỉ quen đắm đuối với chữ nghĩa trên trang bản thảo, còn khi chữ nghĩa đã in thành sách thì phó mặc cho nhà xuất bản, bỏ mặc cho đứa con tinh thần dù chúng có đang nghẹt thở trong kho hay phủ dày bụi trên các giá sách?
Không ai hiểu rõ “đứa con” mình ấp ủ thai nghén, khó nhọc sinh thành bằng chính tác giả. Hiểu cái hay, cái dở, hiểu cả những “khuyết tật” do tài sức có hạn của mình, nên chỉ có tác giả mới có thể giới thiệu trung thực nhất về đứa con tinh thần của mình. Trong khi đó, đại đa số tác giả văn chương hiện đều sở hữu một không gian của riêng trên các trang mạng xã hội. Vậy thì, tại sao tác giả của những quyển sách mới không tự quảng bá (PR) tác phẩm cho chính mình? PR trên trang cá nhân, cái không gian rộng hơn, lớn hơn nhiều lần so với lượng chữ hạn hẹp trên trang báo hay một thời lượng vài ba phút trên làn sóng phát thanh truyền hình; còn là cái không gian mở mà đa số người cầm bút sở hữu nó.
Không gian đó dễ dàng nối kết giữa người viết với đồng nghiệp, với độc giả và có thể nối kết người viết với người đọc ở nhiều quốc gia, trong một không gian rộng mở, không chỉ là văn chương. Cách thức giới thiệu về đứa con tinh thần của mình, cách nào đó cũng còn là phẩm cách của người thai nghén, sinh thành ra nó. Tô vẽ, son phấn hay nâng con mình cao hơn, to hơn kích thước và tầm vóc vốn có của nó, không chỉ làm thui chột đứa con tâm huyết của mình, mà còn có thể triệt tiêu con đường sáng tạo của chính mình. Người đọc vừa tinh tường vừa khắt khe. Họ chỉ bỏ tiền mua đúng thứ hàng hóa có giá trị mà họ cần.
Tác giả, nhà văn nên mạnh dạn giới thiệu tác phẩm mới của mình. Giới thiệu không chỉ khoe bìa sách hay đưa bài giới thiệu của người khác, dù đó là của những người nổi danh, mà giới thiệu chính tác phẩm, câu chữ của mình. Đây là cách PR, theo tôi là thuyết phục nhất. Bởi một tập thơ hay khi đó là tập hợp lại từ những bài thơ mang lại cảm xúc; một tập truyện ngắn hay là phải từ những truyện ngắn có giá trị văn chương; một tiểu thuyết đáng đọc là từ những chương sách đáng chiêm ngưỡng về nội dung lẫn hình thức. Không thể có một tác phẩm văn học hay mà lại thiếu đi “chất văn”, mà “chất văn” là từ từng câu chữ, từ từng trang viết…
Qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”. Đưa những trang viết lên trang mạng xã hội cá nhân của tác giả, của nhà văn cho người đọc và đồng nghiệp đọc, là một cách PR, có thể nói vừa tử tế vừa cần thiết trong thời đại 4.0 hiện nay.
BÍCH NGÂN
Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM