Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ không xa lạ với văn học Việt Nam và cả giới làm phim truyền hình. Truyện ngắn đầu tiên được in năm chị 16 tuổi và sau đó chị đoạt nhiều giải thưởng văn học: giải nhất cuộc thi truyện ngắn NXB Hà Nội, giải nhì cuộc thi Tác phẩm Tuổi Xanh – Báo Tiền Phong, giải nhất Văn Nghệ quân đội… và nhiều giải thưởng khác cho kịch bản phim truyền hình.
* Chị từng làm biên kịch nhiều phim truyền hình chuyển thể từ những truyện ngắn của mình được khán giả yêu mến như: Của để dành, Nước mắt đàn ông, Những giấc mơ dài, Xin hãy tin em; và làm biên tập nhiều phim gây tiếng vang như: Chuyện làng Nhô, Gọi giấc mơ về, Ngõ Vắng… đó là những phim truyền hình có chất lượng tốt. Nhưng sau đó cũng có một số phim do Thu Huệ biên tập bị kêu ca về chất lượng. Chị nghĩ sao về điều này?
* Tôi luôn hết mình và nỗ lực cao nhất với những công việc mình làm. Dù viết kịch bản hay biên tập kịch bản của tác giả khác, tôi đều có thái độ làm việc nghiêm túc như nhau. 20 năm gắn bó với công việc của người làm biên tập, khó có thể kể hết có bao nhiêu phim tôi đã biên tập, bao nhiêu kịch bản đồng tác giả, hay kịch bản viết một mình.
Phim được khen hay cũng nhiều, phim bị chê cũng không ít, và tôi luôn đón nhận, lắng nghe hai luồng dư luận đó. Nghiên cứu về những lời khen, hay góp ý chê, đấy là cách mình phát huy được điểm mạnh và giảm đi những khiếm khuyết.
Có một điều cũng cần nói, kịch bản luôn là viên gạch đầu tiên, rất quan trọng, nhưng không thể quyết định bộ phim sẽ hay. Một kịch bản đưa vào tay 10 đạo diễn, sẽ có 10 phim thể hiện rất khác nhau trên cùng một nội dung. Trong 10 phim đó, phim nào cũng có cái hay và có cái dở. Vậy nên, kịch bản hay biên tập kịch bản chỉ quyết định một phần nào đó thôi. Hiểu được điều đó, tôi luôn bình tĩnh và tự rút những kinh nghiệm cho riêng mình, để có những lựa chọn hợp tác với đạo diễn bớt sai lầm hơn.
* Theo chị, khó khăn của người biên tập phim là gì?
* Không kể hết được những khó khăn phát sinh khi quay một bộ phim dài tập, chỉ có thể nói được những khó khăn thường thấy như: mâu thuẫn giữa những cái tôi nghệ sĩ (biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên, dựng phim…); mâu thuẫn giữa tổ chức sản xuất với các thành phần chính: đạo diễn, quay phim, họa sĩ… (xoay quanh vấn đề về kinh tế, chi phí).
Người biên tập phim, thực ra cũng đồng thời là người tổ chức sản xuất, luôn đứng giữa những quan niệm và tranh luận để bộ phim được bấm máy đúng tiến độ, sự thể hiện bằng hình ảnh được như mong muốn của biên kịch và cuối cùng là thỏa mãn được người xem. Công việc của biên tập rất quan trọng, kéo dài từ khi bắt đầu ý tưởng nội dung của phim, cho tới khi xem bản nháp dựng.
* Chị có nhận xét gì về đội ngũ những người viết kịch bản hiện nay, nhất là lớp trẻ?
* Các bạn trẻ có kỹ năng viết kịch bản hơn các nhà văn, nhưng lại thiếu vốn sống, sự trải nghiệm của cuộc đời với muôn mặt của nó. Những năm tháng sống, sự quan sát và tài năng bẩm sinh sẽ giúp các bạn đào sâu những số phận, những vấn đề được đặt ra trong kịch bản. Các bạn trẻ có thể thành công ở những bộ phim từ 1 đến 10 tập. Nhưng nếu viết kịch bản quá dài, lại viết một mình, sẽ khó mà theo tới tận cùng những gì mà bạn bày ra từ trang đầu tiên.
Gần đây, chúng tôi cộng tác với mấy nhóm bạn trẻ viết kịch bản và đã có những bộ phim khá tốt ra đời như: Con đường hạnh phúc, Một ngày không có em, Ngõ Vắng, Sau ánh hào quang… Những kịch bản này, ngoài việc do các bạn trẻ viết chung thì luôn có một tác giả kinh nghiệm đứng kèm, ở Nhất Tâm phim, là tôi, nhà văn Nguyễn Quang Lập; ở VFC là nhà văn Thùy Linh, nhà văn Phạm Ngọc Tiến…
* Chị có thể nói đôi chút về Thu Huệ của công việc và Thu Huệ của gia đình?
* Cũng là một tôi thôi, luôn là người lo toan, chịu trách nhiệm từ chuyện to nhất đến những điều bé nhỏ. Trong gia đình, chăm một mẹ già và là bạn của hai con trai đã lớn, ngoài việc lo đời sống vật chất đầy đủ thì mối quan hệ tinh thần rất quan trọng. Trong nhà tôi, không khí bình đẳng và chia sẻ luôn đặt lên hàng đầu. Hai con không giấu tôi chuyện gì, từ những thành công hay thất bại, đôi khi là những sai lầm...
Trong công việc, tôi và các đồng nghiệp cũng vậy, khi vào việc, là tranh luận nảy lửa để tìm ra phương án tốt nhất, nhưng ra khỏi phòng họp là anh chị em trân trọng, chia sẻ với nhau về cuộc sống. Có như vậy, cơ quan hay nhà, đều là nơi mình gắn bó, yêu quý và muốn cống hiến.
* Là giám đốc của VTC9 Let’s Việt, liệu chị còn thời gian để viết?
* Kênh VTC9 Let’s Việt ra đời vào cuối tháng 9 năm 2008, dao động từ 8 giờ đến 10 giờ phát sóng mỗi ngày, với rất nhiều chương trình nên đôi khi tôi cũng bị quá tải về chuyện duyệt nội dung. Nhưng may mắn là các đối tác của Let’sViệt đều là những công ty truyền thông chuyên nghiệp, có kinh nghiệm sản xuất những chương trình truyền hình, nên mọi chuyện đã tốt. Một nội dung nổi trội của Let’s Việt là phim Việt Nam. Tuy bận, nhưng dạo này tôi viết nhiều. Truyện ngắn, tiểu thuyết và tản văn.
* Nhưng hình như đã lâu không thấy Thu Huệ giới thiệu tác phẩm mới của mình?
* Tôi in truyện ngắn rải rác trên báo đều đều, có thể tập hợp được một tập dày. Tiểu thuyết thì viết đi viết lại vì mắc bệnh nghề nghiệp là đọc lại văn mình bằng thái độ của người biên tập, sửa nhiều gần như mới và luôn chưa hài lòng. Một phần tôi chưa công bố tiểu thuyết vì không muốn mình giống nhiều nhà văn, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, thường không bình tĩnh với tác phẩm của mình. Viết xong, cảm xúc dâng trào, và thường là xuất bản ngay nếu không gặp trở ngại về giấy phép...
Vậy nên, khi đọc, tôi thường tiếc là có những cuốn tiểu thuyết có thể rất hay, nhưng vì khâu biên tập đã không “tàn nhẫn” gọt bớt những phần cảm xúc, kể lể dài dòng, áp đặt cái tôi của mình vào những dòng văn, cho nên đã không thật sự ám ảnh người đọc. Kinh nghiệm này thấy rõ nhất ở một số nhà văn nước ngoài, vài nhà văn của Việt nam đã viết cả nghìn trang, nhưng rồi bình tĩnh làm lại và cuốn sách chỉ còn một phần ba như ban đầu.
NHƯ HOA