Nhà văn Anh Đức - Những đứa con của đất về với đất

Nhà văn Anh Đức - Những đứa con của đất về với đất

Sáng 22-8, con gái tôi báo: “Bác nhà văn Anh Đức, ba chị Quyên, qua đời rồi”. Tôi lặng người dù biết rằng chuyện phải tới đã tới!

Không hiểu sao, sau khi gặp vợ chồng nhà văn Lê Quang Trang - Trần Thị Thắng, rồi đi thăm gia đình nhà văn Anh Đức, tuần rồi, về nhà tôi suốt ngày cầm trên tay cuốn sách Văn nghệ - Một thời để nhớ của nhà thơ Bảo Định Giang.

Nhà văn Anh Đức cùng quê với bác Tôn Đức Thắng, cùng quê An Giang, như Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương, Hoàng Hiệp, Phan Nhân, Mai Văn Tạo, Lê Văn Thảo, Lê Văn Duy... và cả bạn cùng lứa như Trịnh Bửu Hoài, Mai Bửu Minh, Ngô Văn Tài… Ông bị bệnh từ nhiều năm nay…

Nhà văn Anh Đức (thứ hai từ phải sang) và các văn nghệ sĩ góp công xây dựng đội ngũ văn thơ giải phóng.

Còn nhớ thời chống Mỹ, tôi được đốt đèn soi cho các nhà thơ, nhà văn, thầy giáo Đại học Tổng hợp Hà Nội đi nói chuyện về văn học. Nhà thơ Xuân Diệu, nhà giáo Phan Cự Đệ nói về tình yêu trong chiến tranh, về Sống như anh, về nhà văn Anh Đức, Phan Tứ. Tôi còn nhớ các ông có nói hình tượng kẻ thù chém chị Sứ (trong Hòn đất) là hình ảnh của chị Loan, người Hà thành, vợ nhà văn Anh Đức. Kẻ thù chém vào cổ chị Sứ, dòng tóc dày và dài của chị cản lại. Dòng tóc Việt Nam. Gặp chị Loan ở chiến khu và sau này, tôi cứ nhìn mái tóc chị… Tôi vẫn nghĩ nhà văn Anh Đức là người cực đoan, võ đoán: Đã yêu rồi là yêu tới chết, đã ghét rồi là ghét cả dấu chân…

Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 5-5-1935 ở An Giang. Từ năm 1953, ông từng là biên tập viên Báo Cứu Quốc Nam bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Ông từng là trưởng ngành Văn, Phó Tổng biên tập Báo Văn Nghệ Giải Phóng, Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam… Trong kháng chiến chống Mỹ và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông giữ nhiều trọng trách như: Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM, Phó tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 5, 6).

Tôi chưa biết sự liên hệ giữa văn xuôi Anh Đức và thơ Chế Lan Viên trong truyện ngắn Con cá song (Anh Đức) và Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về (thơ Chế Lan Viên)… Tôi cũng không rành việc tỉnh Kiên Giang lấy địa danh Hòn Đất có gì liên hệ giữa tiểu thuyết và vùng đất. Nhưng nhà văn Anh Đức có tình cảm mật thiết với nhà thơ - liệt sĩ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân và nhiều bạn bè anh em văn nghệ là có thật.

Nhà văn Anh Đức có những tác phẩm khó quên như Biển động (1952), Lão anh hùng dưới hầm bí mật (1958), Một chuyện chép ở bệnh viện (1958, sau này dựng thành phim Chị Tư Hậu), Biển xa (1960), Hòn đất (1966) dựng thành phim Hòn đất, Những đứa con của đất (1976), Miền sóng vỗ… Trong các tác phẩm của nhà văn Anh Đức luôn rì rầm tiếng sóng biển quê nhà. Nhà văn Anh Đức giành nhiều giải thưởng văn học: Giải văn học Cửu Long Nam bộ (1952), Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (2000).

Viết về nhà văn Anh Đức sẽ có những cây bút lừng danh như GS-TS Mai Quốc Liên, nhà văn lão thành Phạm Tường Hạnh, hay những nhà văn lớp sau như Lê Văn Thảo, Lê Quang Trang… Tôi chỉ viết những gì tôi cảm nhận về Anh Đức. Bởi một lẽ nhà văn Anh Đức có người chị, người cháu cùng làm ở Báo SGGP. Và tôi viết là để tri ân những ấn tượng về nhà văn lớn Anh Đức, qua tình cảm của riêng mình và của thế hệ con gái tôi.

Nhà văn Anh Đức từng tâm sự: “Tôi ý thức được sáng tác văn học rất quý, rất hệ trọng. Mỗi dòng mỗi chữ viết ra sẽ có ích hoặc có hại cho người đọc, sẽ gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu. Tôi tự nhắc mình khi viết là - hình tượng, hình tượng, hình tượng, chi tiết, chi tiết, chi tiết”. Tác phẩm của nhà văn Anh Đức có tình biển và đất, gợi nhớ nhiều…

Cuốn sách Văn nghệ - Một thời để nhớ của nhà thơ Bảo Định Giang có một tấm ảnh được dùng nhiều lần. Trong ảnh là nhũng khuôn mặt “một thời để nhớ”. Đó là nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu, nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, nhà thơ Chim Trắng, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà soạn kịch Bùi Kinh Lăng, nhà văn Anh Đức, nhà thơ Giang Nam… 7 văn nghệ sĩ góp công xây dựng một đội ngũ văn thơ giải phóng, nay chỉ còn lại 2 người. Thời gian trôi đi và còn mãi là kỷ niệm không thể nào quên.

VŨ ÂN THY

Tin cùng chuyên mục