Lên sóng định kỳ lúc 21 giờ 30 các ngày thứ tư, năm, sáu hàng tuần trên VTV3, Nhà trọ Balanha được chuyển thể từ phim Hàn Quốc Welcome to Waikiki. Phim là câu chuyện về bộ ba nhân vật chính Bách, Lâm, Nhân cùng các cô gái: Nhiên - em gái Lâm, Nhi - người yêu cũ của Lâm và Hân - bà mẹ đơn thân.
Nhà trọ Balanha cũng chọn tiếp cận chuyện vào đời, tìm kiếm nghề nghiệp của những người trẻ với biết bao khó khăn. Lâm tốt nghiệp đạo diễn nhưng chật vật với nghề chụp ảnh. Bách chuyên trị vai quần chúng nhưng cũng hiếm hoi mới có cơ hội đứng trước ống kính. Nhân, một biên kịch trẻ hết chạy xe ôm, đi bán hàng thuê rồi bán quần áo qua mạng. Nhi, Hân, Nhiên hoặc thất nghiệp hoặc khó khăn lắm mới tìm kiếm được những cơ hội đầu tiên.
Điểm khác biệt của bộ phim ở chỗ hành trình khởi nghiệp được nhìn qua lăng kính hài hước. Điều đó khiến không khí bộ phim luôn nhẹ tênh, vẫn tràn đầy sự lạc quan và yêu đời. Đặc biệt, tiếng cười trong phim đa phần xuất phát từ những tình huống có cả tự nhiên, có cả những khi trái khoáy mà khán giả không thể tưởng tượng ra. Hài tình huống nhưng phim vẫn đủ tiết chế để tạo nên màu sắc riêng, không bị sa đà vào dạng sitcom vốn đang phổ biến trên màn ảnh nhỏ hiện nay.
Một điểm nhấn thú vị, dù đầy tiếng cười đó nhưng bộ phim đến thời điểm này vẫn tạo được những khoảng lặng cần thiết. Câu chuyện làm mẹ đơn thân của Hân, chuyện tình trái ngang của Nhân, tình cảm chôn giấu của Lâm… vẫn tạo nên những “nốt trầm xao xuyến”. Yếu tố gia đình được điểm xuyết nhẹ nhàng nhưng có sức nặng.
Ngoài Trần Nghĩa được đông đảo khán giả biết đến qua vai “thầy giáo Ngạn” trong Mắt biếc hay Xuân Nghị từng tạo dấu ấn với “Mr Cần Trô” trong Ngày ấy mình đã yêu, Nhà trọ Balanha là nơi để các diễn viên trẻ được trao cơ hội quý giá. Công Dương, Trần Vân, Bích Ngọc, Quỳnh Kool đều là những gương mặt mới. Khá tương đồng cả về tuổi đời, tuổi nghề và nói như Trần Nghĩa: Diễn viên thường dễ làm quen và không có khoảng cách nên sự tương tác trong phim khá tự nhiên. Tính cách từng nhân vật, ngay từ tập đầu tiên đã được xây dựng khá rõ nét và được duy trì liền lạc sau 2/3 chặng đường phim đã phát sóng.
Điều làm nên thú vị của bộ phim còn nằm ở sự đan cài, nối kết của nhiều cái tên đã góp phần vào thành công cho các bộ phim truyền hình trên sóng VTV như Quỳnh búp bê, Nguyễn Đan Lê, Bùi Tiến Huy, Trọng Trinh… Đơn cử như việc nhân vật Bách đặt tên cho chiếc ô tô mua lại của mình là Nguyễn Đan Lê và hết lòng cưng chiều nó. Ai cũng biết, ngoài đời, Đan Lê là vợ của đạo diễn Khải Anh. Sự trào lộng theo hướng khôi hài này khiến khán giả thích thú. Chủ đích xây dựng “vũ trụ VTV” rõ ràng vừa mang tính khẳng định thương hiệu đồng thời tạo nên nét riêng độc đáo, đang dần xuất hiện ở lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam.
Nói như thế không có nghĩa bộ phim không có hạn chế. Một số tình huống trong phim được xây dựng có phần dài dòng, đôi khi làm quá. Phim đang ở chặng đường cuối cùng. Khán giả đang chờ đợi một cái kết vừa ý và thật sự logic.