Còn nhiều bất cập về chính sách Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, năm học 2017 - 2018, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh so với năm học trước tăng 32 trường. Ngoài ra, số nhóm lớp độc lập tư thục đã được cấp phép hoạt động là 999 nhóm, lớp, so với cùng kỳ năm học trước tăng 45 nhóm, lớp; số nhóm, lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép hoạt động là 47 nhóm, lớp (tăng 1 nhóm, lớp); số nhóm, lớp có quy mô lớn chưa thành lập trường do cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo theo quy định là 284 nhóm, lớp (giảm 57 nhóm, lớp) tập trung ở Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Thống Nhất. Theo bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai, chính sách xã hội hóa giáo dục ở ngành học mầm non hiện chủ yếu huy động nhóm, lớp tư thục nên thiếu ổn định và hạn chế về các điều kiện phát triển. Hiện còn nhiều nhóm trẻ có quy mô lớn nhưng chưa mạnh dạn nâng cấp thành trường theo quy định. Một số chính sách như Nhà nước xây dựng cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục ngoài công lập thuê mướn, hoặc ngược lại tư nhân xây dựng cơ sở vật chất cho Nhà nước thuê mướn để làm trường công lập, chưa được thực hiện; ngân sách Nhà nước còn hạn chế nên việc đầu tư trường lớp cho đơn vị ngoài công lập thuê mướn khó triển khai... Là địa phương có nhiều KCN nhất cả nước với hơn 1 triệu lao động nhập cư, Bình Dương luôn “đau đầu” với việc xây dựng trường lớp, nhất là ở bậc học mầm non để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân. Toàn tỉnh hiện có 288 trường mầm non với gần 95.000 trẻ theo học; có gần 400 nhóm trẻ gia đình và cơ sở nuôi giữ trẻ ký cam kết với địa phương về đảm bảo các yêu cầu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên với hơn 6.000 cháu. Trong số gần 300 trường mầm non có 245 trường (85 công lập, 160 tư thục) và 364 nhóm, lớp độc lập tư thục thuộc các địa phương có KCN hoạt động, thu hút khoảng gần 90.000 trẻ đến lớp (chiếm 89% tổng số trẻ mầm non toàn tỉnh). Riêng địa bàn thị xã Thuận An, nơi có nhiều KCN với hàng trăm ngàn CN nên nhu cầu gửi con rất lớn. Hiện có 55 trường mầm non ngoài công lập và 137 nhóm, lớp mầm non. Số trường do địa phương xây dựng còn ít do khó khăn về vốn đầu tư và quỹ đất. Trong khi đó, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Bình Dương có thêm khoảng 5.000 cháu trong độ tuổi học mầm non, mẫu giáo nên áp lực về trường lớp ngày càng gia tăng.Doanh nghiệp cùng chung tay Trong khi các tỉnh còn đang gỡ vướng mắc về cơ chế trong việc chăm lo phát triển trường mầm non cho con CN thì đã có một số DN quan tâm tới đời sống phúc lợi của CN và đầu tư hàng chục triệu USD để xây dựng những ngôi trường mầm non khang trang. Tại Đồng Nai, Tập đoàn Phong Thái đã đầu tư 14 triệu USD để xây dựng ký túc xá và trường mầm non phục vụ CN tại huyện Trảng Bom. Năm 2016, Công ty Dona Standard (thuộc Tập đoàn Phong Thái) đã đầu tư 3 triệu USD để xây dựng nhà trẻ trên diện tích 2,4ha với cơ sở vật chất hiện đại, hàng chục phòng học, khu vực ăn uống, bếp ăn... chất lượng cao để nuôi dưỡng tốt cho hơn 1.000 con CN đang làm việc tại công ty. Cũng năm 2016, Công ty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) đưa vào sử dụng trường mầm non có diện tích 7.500m2 với mức đầu tư trên 3 triệu USD để chăm lo cho khoảng 1.000 con CN; Công ty Pou Chen Việt Nam (xã Hóa An, TP Biên Hòa) đưa vào hoạt động Trường Mầm non Thế giới Xanh (Green World) với 18 phòng học và 5 phòng chức năng, trong đó có phòng học nhạc và phòng tập thể dục, đáp ứng chỗ học cho 500 trẻ độ tuổi 2 - 5, có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên giỏi nghề, yêu trẻ; trường gần nơi làm việc nên rất thuận tiện cho CN đưa đón con và tạo được sự an tâm cho CN. Còn tại Bình Dương, để bảo đảm đủ chỗ học cho trẻ mầm non, các KCN hình thành và phát triển sau này đều dành khoảng 15% - 20% quỹ đất để xây dựng trường học, trong đó có trường mầm non. Hiện tỉnh đã giao, cho thuê khoảng 72.000m2 đất cho 16 cá nhân, DN để xây dựng 16 trường mầm non tư thục, đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 6.000 trẻ tại các địa phương có nhiều KCN. Riêng đối với việc xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong KCN đã được hình thành trước đây, UBND tỉnh giao Sở TN-MT tham mưu tỉnh theo hướng thông thoáng về chính sách, phương thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường mầm non. Trước mắt có thể ưu tiên giải quyết sử dụng quỹ đất xây dựng văn phòng của DN để xây cơ sở giáo dục mầm non (đối với các doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục mầm non theo hình thức phi lợi nhuận).
Theo bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Chính phủ cần có những quy định yêu cầu các DN, các nhà đầu tư ở KCN, các xí nghiệp, nhà máy phải thành lập nhà trẻ, trường mầm non dành cho con em CN. Đồng thời các bộ, ngành liên quan có biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của địa phương, ban hành cơ chế đặc thù về thủ tục đất đai, thủ tục xây dựng các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện phát triển thành lập trường.