Khi biết tin ông Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban) ra đi về cõi vĩnh hằng, tôi như lặng người đi. Với thế hệ con cháu chưa từng đi qua chiến tranh như chúng tôi, có những lần được gặp và phỏng vấn, trò chuyện với nhà tình báo huyền thoại như ông là điều may mắn, tự hào và cả sự ngưỡng mộ và khâm phục. Chuyện xưa, chuyện nay, dòng thời gian cuộn chảy hơn nửa thế kỷ. Những chiến công thầm lặng, những toan tính, nhẫn nhịn, chịu đựng và cả những thủ pháp tình báo ẩn chứa sống động trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy cam go trong lòng địch, với những vỏ bọc khác nhau, những vị thế khác nhau, những tình huống sinh tử, giữa trách nhiệm với Đảng và cảm dỗ phù hoa, giữa vận mệnh, khát vọng của Tổ quốc với sinh mệnh của chính mình.
Niềm tin đi qua hiểm nguy, sinh tử
Lần chúng tôi đến thăm ông Mười Hương gần đây tại nhà riêng ở khu Thảo Điền ven sông Sài Gòn thuộc quận 2, dù sức khỏe có yếu hơn trước rất nhiều, câu chuyện đôi lúc phải dừng vì ông xúc động, nhưng mỗi lúc càng sôi nổi, cuồn cuộn những ký ức một thời bằng trí nhớ mẫn tiệp, chính xác, với phong thái sắc sảo lẫn dí dỏm cuốn hút .
Ông Mười Hương tham gia cách mạng từ lúc 13 tuổi và hoạt động ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1948, với kinh nghiệm làm công tác an ninh cho Trung ương Đảng tại chiến khu Việt Bắc, ông được chuyển sang làm việc cho tình báo quân sự, tiền thân của ngành tình báo sau này. Những công việc ban đầu như tổ chức lưới trinh sát trong các Trung đoàn, tổ chức điệp báo vào các thị trấn gây cơ sở; nắm tình hình địch ở các vùng rộng lớn như vùng đồng bằng Bắc Bộ... Nhờ những năm tháng đó và với tố chất đặc biệt hiếm có, tháng 10-1954, người chiến sĩ cách mạng Mười Hương được Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ vào miền Nam để gây dựng, khôi phục lại mạng lưới tình báo chuẩn bị cho cách mạng lâu dài ở chiến trường miền Nam. Trước khi ông Mười Hương vào miền Nam nhận nhiệm vụ, Bác Hồ đã trực tiếp gặp ông và dặn dò: "Vào đó tùy tình hình, công việc thì các chú đã giao và dặn chú kỹ rồi. Xem làm được thì nhận và đã nhận thì đừng phụ lòng trung ương. Đi sao nhớ về vậy". Cuộc đời cách mạng hoạt động tình báo của ông ở miền Nam đã tạo dựng được một mạng lưới tình báo với những điệp viên tài ba, xuất sắc, tạo nên những dấu ấn đặc biệt và chiến công lớn, góp phần làm nên thắng lợi cho cách mạng Việt Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Câu chuyện của ông chia sẻ thường ít nói về mình, chủ yếu nói về những người học trò với niềm tự hào, niềm tin đặc biệt. Đó là những điệp viên chiến lược huyền thoại đi vào lịch sử như: Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ… Trong câu chuyện có những lúc ông bật khóc vì xúc động, vì nhớ thương, vì những tâm tư về những điều mình chưa làm được cho những học trò của mình. Ông cứ nhắc đến họ bằng niềm tin, bằng cả sự cảm phục, nhớ những vất vả, gian truân, những tình huống hiểm nguy, cam go lẫn cả những thiệt thòi đối với họ. Theo cách nhìn của ông, làm tình báo thành công phải bám vào niềm tin, phải tin thì mới dùng, không tin không dùng.
Ông Mười Hương luôn đặt niềm tin lớn vào các học trò của mình, dù có hiểm nguy đến mấy vẫn vẹn nguyên không suy suyển. Học trò đặt niềm tin lớn ở ông và điều ấy luôn giúp họ đi qua gian nguy, qua sinh tử, qua mọi hoàn cảnh để đến ngày cách mạng thắng lợi. Ông trao cho học trò niềm tin của chính mình và cả đường hướng lãnh đạo họ, đường hướng của nhiệm vụ, của con đường tình báo mà họ đi và tự mình quyết định bằng chính tài năng, ý chí, vững tâm trong mọi hoàn cảnh, thực hiện nhiệm vụ trong lòng địch.
Để giữ an toàn tuyệt đối cho các điệp viên, bản thân ông đã phải hy sinh rất nhiều. Ông đã từng bị Mỹ - Ngụy bắt giam 6 lần, qua những khu biệt giam ghê rợn nhất, tàn bạo nhất. Vừa dùng cực hình, vừa dùng “mồi ngon” hòng đe dọa, mua chuộc, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản kiên trung, giữ vững phẩm chất người cán bộ tình báo.
Thiếu tướng, nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ từng nói: "Sở dĩ A22 của ông có được chiến tích như vậy, ngoài cố gắng của các đồng chí trong mạng lưới tình báo, còn có công rất lớn của ông Mười Hương. Thời kỳ đầu, Mười Hương trực tiếp chỉ đạo chúng tôi. Ông từng chịu cảnh tra tấn tù đày vì chúng tôi". Hoặc khi mạng lưới bị vỡ, ông Mười Hương bị bắt, bị tra tấn dã man tại nhà giam Chín Hầm nhưng ông một mực không khai về các học trò của mình. Lúc này, Phạm Xuân Ẩn được Mười Hương hướng dẫn đưa qua Mỹ học, làm tạp chí TIME, tin tức gián đoạn, mọi liên lạc bị cắt đứt nhưng Phạm Xuân Ẩn vẫn luôn tin rằng vỏ bọc và hoạt động tình báo của mình vẫn chắc chắn và không bị lộ. Ông sẽ trở lại quê nhà với những vỏ bọc hoàn hảo và bảo mật tuyệt đối để tiếp tục hoạt động.
Người thầy của những điệp viên kiệt xuất
Chính niềm tin, sự sắc sảo, nhạy bén, tinh tường của mình đã giúp ông Mười Hương xây dựng được mạng lưới tình báo ở chiến trường miền Nam, trực tiếp chỉ huy lãnh đạo với những điệp viên xuất chúng như: Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ; Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Hữu Thúy; Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Ngọc Thảo; Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Ẩn... Trong câu chuyện, ông Mười Hương nhớ lại: "Ngay từ những ngày đầu tiên, khi lực lượng tình báo được thành lập, lực lượng ấy đã góp một chiến công lớn cho dân tộc. Cho đến tận hôm nay, lực lượng ấy vẫn có những đóng góp xứng đáng. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo của Trung ương từng nhận xét, được coi báo cáo của các đồng chí, chúng tôi như được ở giữa Sài Gòn".
"Chỉ cần nói khái quát một câu thôi, những tin tức của tình báo đã giúp chúng ta hiểu đến tận tâm can của địch. Thế giới họ vẫn nói: Chưa có một nước nào khi đánh nhau lại hiểu đối phương như chúng ta. Chính giới Mỹ cũng phải công nhận, đối phương đã vào đến tận "gan ruột" mà ở, biết mình đến như thế, còn làm được gì nữa. Những cuộc hành quân, những kế hoạch chiến lược, những hoạch định quy mô trong nhiều năm hay những tin tức liên quan tới tính mạng của đồng chí, đồng đội, phần lớn được các điệp viên nắm chắc và chuyển đi kịp thời".
Trong mạng lưới tình báo do mình thiết lập và trực tiếp chỉ đạo, ông Mười Hương luôn định hướng một cách chính xác và linh hoạt, tùy vào đặc điểm và tài năng của mỗi điệp viên. Ông Mười Hương chia sẻ: "Với người tình báo, điều khó khăn nhất là vượt qua chính mình. Mọi thử thách ghê gớm lắm. Sống giữa nơi phồn hoa, cám dỗ nhiều chiều. Là con người bình thường, ai cũng có nhu cầu được hưởng thụ. Vậy mà các điệp viên vẫn cứ vượt qua và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.
Vượt qua chính mình còn chính là trách nhiệm và vai trò, tài năng của chính các điệp viên khi hoạt động trong lòng địch. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, ông Mười Hương giao nhiệm vụ cho các đầu mối và biết phát huy tài năng, lợi thế của họ để họ phát huy được sở trường, hoạt động trong một vỏ bọc, một bình phong hợp lý nhất để họ có thể tồn tại lâu nhất, phát huy hiệu quả nhất khi hoạt động trong lòng địch. Các điệp viên chiến lược giỏi ngụy trang, khéo léo leo cao luồn sâu, trong quá trình công tác, lập được nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng. Cụ thể như trường hợp Lê Hữu Thúy. Trong kháng chiến chống Pháp, anh ấy là cán bộ bên công an, nhưng sau cải cách ruộng đất, do gia đình thuộc tầng lớp trên, nên bị ra khỏi ngành. Tuy nhiên, nhà tình báo Trần Hiệu đã sớm phát hiện ra tài năng, tố chất xuất sắc của Lê Hữu Thúy nên đã bảo lãnh và móc nối với tổ chức để đưa ông Thúy vào Nam hoạt động, cùng đợt với Vũ Ngọc Nhạ. Lê Hữu Thúy giỏi quảng giao, có trình độ cử nhân, hiểu biết sâu về văn chương, xã hội, có nhiều mối quan hệ với các quan chức nên với các đặc điểm nổi bật này, ông Mười Hương đã hướng đi theo con đường của lực lượng Hòa Hảo mà "tiến sâu" vào lòng đối phương. Lê Hữu Thúy với tên hoạt động là Lê Nguyên Vũ sau đó được Ngô Đình Diệm tin tưởng giao làm phái viên chính phủ bên cạnh Hòa Hảo đã phát huy được tài năng, ngày càng tạo vỏ bọc chắc chắn khi tạo được vị thế và uy tín trong các bộ thời kỳ Ngô Đình Diệm làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa, thực hiện chính xác mọi mệnh lệnh nhận được và trở thành kênh thông tin chiến lược quan trọng cho cách mạng.
Sài Gòn xưa và TP Hồ Chí Minh hôm nay, hơn nửa thế kỷ đi qua, bên dòng sông Sài Gòn cuộn chảy giờ thiếu vắng hình ảnh đi về của ông Mười Hương soi bóng. Ông ra đi nơi ông đã cống hiến phần lớn cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, để lại một khoảng trống tiếc thương đối với đồng đội, đồng chí và nhân dân Nam bộ và cả nước. Chúng tôi không còn dịp để xin được gặp, để được nghe những chiến công của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, của ngành tình báo Việt Nam, được cảm nhận ở ông niềm tin ngời sáng, son sắt đối với Đảng, với Bác Hồ và đồng đội, học trò của chính mình và tương lai đất nước.