Tác phẩm được lấy cảm hứng từ câu chuyện về "Trung đoàn mũ sắt" - tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, đây là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều đồng chí là người Hà Nội gốc. Sau thời gian luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên, đánh trận giả ở Hòa Bình… đơn vị bộ binh này được trang bị quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó như: mũ sắt của Liên Xô, áo Tô Châu của Trung Quốc… cũng là đơn vị đầu tiên được sử dụng B41 tại chiến trường.
Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27-3-1967, đánh trận đầu tiên trong đời ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26-3-1968. Trong trận đánh này, gần 200 chàng trai Hà Nội thuộc "Trung đoàn mũ sắt" đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh trong cuộc giao tranh ác liệt với binh lính Mỹ tại điểm cao 995-996.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến đã bước sang tuổi bảy mươi, vẫn trăn trở về đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra. Vì thế, bắt đầu từ năm 2009, các cựu chiến binh đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực… để đi tìm hài cốt đồng đội.
Trong những chuyến đi tìm đồng đội của các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt, có rất nhiều thân nhân liệt sĩ và cả những bạn trẻ tình nguyện viên trên mọi miền Tổ quốc đồng hành, hỗ trợ cung cấp sử liệu làm căn cứ giúp các bác, các chú tìm đồng đội của mình. Đặc biệt, trong những hành trình thầm lặng ấy, có cả những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Chư Tan Kra…
Trường ca Chư Tan Kra mây trắng ra đời trong nguồn cảm hứng, cảm xúc về thế hệ những người lính thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm, hy sinh xương máu cho Tổ quốc và những người lính trở về, dù mỗi người một số phận, hoàn cảnh riêng, có nhiều người là thương binh, gặp nhiều khó khăn do sức khỏe, tuổi tác… nhưng họ vẫn giữ khí chất, tinh thần dũng cảm, hào hoa, sống và hành động vì nghĩa lớn.
Chư Tan Kra mây trắng có 6 chương, gồm:
Chương I - Giấc mơ vụn viết về những giấc mơ chập chờn, trở đi trở lại, không theo trật tự, tuyến tính… của một nữ phóng viên chuyên thực hiện các chương trình về liệt sĩ. Và những giấc mơ của cô khởi nguồn sau những chuyến đi cùng các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt tìm hài cốt đồng đội tại Chư Tan Kra.
Chương II - Đỉnh gió là hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của các Cựu chiến binh Trung đoàn 209 với nhiều cung bậc cảm xúc và chất liệu thực tế. Họ đi tìm đồng đội chủ yếu vào mùa khô, nhưng cũng có những chuyến tìm kiếm đặc biệt vào mùa mưa, điều kiện thời tiết, đi lại và tìm kiếm vô cùng khó khăn. Các Cựu chiến binh đối diện với nhiều thử thách nhưng ý chí, tinh thần luôn vững vàng, truyền lửa cho lớp trẻ và động viên, đồng cảm với gia đình thân nhân liệt sĩ.
Chương III - Bên kia đại dương: Khai thác góc nhìn của những người lính Mỹ bên kia chiến tuyến trở lại chiến trường xưa, cùng các Cựu chiến binh Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ. Cũng như những người lính Việt Nam, họ chịu nhiều ám ảnh chiến tranh, có người là thương binh, nhiễm chất độc Dioxin, ở độ tuổi bảy mươi với những nỗi dằn vặt, ám ảnh lớn khiến họ quyết định trở lại Chư Tan Kra cùng nhiều tư liệu về trận đánh năm xưa.
Chương IV - Mẹ vẫn đợi con về: Xoay quanh câu chuyện về tình mẫu tử. Những người mẹ ngậm ngùi tiễn con ra trận, khôn nguôi hy vọng đứa con mười tám, đôi mươi sẽ sớm trở về. Sau chiến tranh, bao người con đã không về, hài cốt cũng nằm lại chiến trường xưa. Một số chi tiết ngang trái, ít được khai thác trong văn chương, được tác giả đề cập, như: Hiện tượng nhận nhầm phần mộ liệt sĩ, những sai lầm khi áp dụng phương pháp ngoại cảm…
Chương V - Gửi hòa bình: Mang nội dung, màu sắc, thanh âm đậm chất Tây Nguyên với những buôn làng thời kỳ mới, với hình ảnh người mẹ dân tộc thiểu số tóc bạc trắng vẫn chống gậy đi tìm những “đứa con” người Hà Nội; những em bé Tây Nguyên “vượt lũ đến trường/ băng suối về buôn”. Nạn phá rừng, sự thực dụng, mưu toan hủy diệt màu xanh đại ngàn cũng được đề cập trong chương này.
Chương VI - MẸ: Chương khép lại trường ca có những dấu ấn đặc biệt: Không đánh số đoạn như các chương khác; chữ MẸ viết hoa với ý nghĩa đây vừa là những người mẹ gần gũi, yêu thương; vừa là mẹ Tổ quốc linh thiêng, che chở. Ở chương này, ngôi kể là người con thưa với mẹ về tình cảm tận sâu của mình với mẹ, đồng đội, quê hương, Tổ quốc…
Niềm yêu thương tận cùng trong cuộc đời người lính, đó là đi đến tận cùng là gặp mẹ. Khi trúng đạn, khi bị thương, khi đau đớn, khi trút hơi thở cuối cùng, họ đều thốt lên hai tiếng “Mẹ ơi!” - tiếng gọi đầu tiên cũng là tiếng gọi cuối cùng, ngọn nguồn của sự hi sinh và sức mạnh.