Với sự kết hợp hài hoà cả về nội dung, hình ảnh và âm nhạc, Thanh xuân tươi đẹp tháng 6, chủ đề Trang sách thanh xuân sẽ mang đến ký ức chung về một thời mà mỗi trang sách hiếm có, được nâng niu giữ gìn của thế hệ 7x, 8x và cả 9x; đồng thời lan tỏa niềm cảm hứng đọc để mỗi người có thể viết lên những giấc mơ tươi đẹp trên những trang sách của cuộc đời mình.
“Mọi người vẫn gọi tôi là “thần đồng”, nhưng tôi có phải thần đồng gì đâu, những vần thơ tôi làm được đều từ việc đọc sách mà ra cả”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ
Cũng tại chương trình, các khách mời cùng nhau ôn lại chuyện về những trang sách từng được các thế hệ nâng niu, gìn giữ, mở ra hàng loạt ký ức trong trẻo của tuổi thơ, tuổi thanh xuân và nuôi dưỡng ước mơ lớn để vào đời, vào nghề của mỗi người.
Thanh xuân tươi đẹp mang tới phần hoạt cảnh gợi nhớ tuổi thơ, về những cậu bé đi “coi cọp” tại cửa hàng thuê truyện khiến cả trường quay cười không ngớt. Cùng với đó là những câu chuyện hài hước, dí dỏm nhưng cũng rất cảm động của các khách mời.
Với nhà báo Trương Anh Ngọc là ký ức về những cuốn sách cũ kỹ, tiêu chuẩn in nhoè nhoẹt cùng nỗi niềm tiếc nuối mỗi khi chuyển nhà.
NSƯT Chí Trung chia sẻ kỷ niệm ngày nào cũng quanh quẩn ở phố sách và cắm rất nhiều thẻ thư viện ở quanh người để có thể đọc bất cứ khi nào mình muốn. Anh còn bị bạn bè gắn mác "ky bo" vì không cho bạn mượn sách, truyện.
Ký ức đẹp về một thời những cuốn sách là tài sản chung, là niềm ước mơ của cả một thế hệ sẽ được kể lại trong Thanh xuân tươi đẹp tháng 6
Khán giả trường quay cảm động với câu chuyện “khát chữ” của cô bé lớn lên ở vùng “xó núi”- nhà văn Đỗ Bích Thúy: thuở đó, sách với Thúy là điều xa xỉ, cô bé thích đọc đến mức đọc hết chữ trên chai thuốc trừ sâu và bao tải phân của gia đình.
Với Hamlet Trương lại là câu chuyện về việc đọc sách những ngày thơ ấu là do bố ép buộc vì lo cho tương lai, nhưng chính sự ép buộc ấy đã khiến anh yêu sách và trở thành một nhà văn với gia tài là 14 cuốn sách.