Lúc đầu mọi người còn lạ lẫm trước một gã đàn ông có hình thức “bặm trợn”, râu tóc rậm rạp, mặc quần jean rách, thường xuất hiện tại quán bia bình dân ở 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, nơi được gọi là “Trung tâm giao dịch gặp gỡ của văn - nghệ - sĩ - TPHCM”. Tiếp cận mới biết Phan Vũ rất hiền, ăn nói chậm rãi, có kiến thức rộng, giọng ấm, nhẹ nhàng.
PHÓNG VIÊN: Theo ông, giữa “thơ” và “đời” có khoảng cách bao xa? Ông đánh giá thơ như thế nào?
Nhà thơ PHAN VŨ: Những người làm được thơ, tôi nghĩ họ luôn là con người ngay thẳng chân chính. Tôi nói “làm được thơ” có nghĩa là “không vay mượn của người khác”, do đó những gì họ đưa vào thơ đều xuất phát từ chính cuộc sống họ. Vậy thì tính ra, giữa thơ và đời không có khoảng cách nào hết. Với tôi, thơ không phải là thứ đi thuyết giảng cho đám đông. Tôi từng ngừng đọc thơ giữa chừng vì thấy xung quanh mình quá ồn ào và thơ vô tình bị xem như thứ trang sức. Và tôi không làm thơ theo kiểu tưởng tượng vịnh lá, tả hoa..., tôi chỉ viết ra giấy khi có những sự việc ám ảnh ray rứt hay chấn động đời mình.
Nghệ sĩ Phan Vũ trong buổi giao lưu với bạn bè và độc giả mới đây
Ông có bao giờ nghĩ, bài thơ cũng có số phận như con người?
Có chứ, thơ cũng có số phận như con người. Thậm chí, thơ còn vận vào người nữa. Tôi ví dụ cụ thể như thế này cho dễ hiểu, coi như là một minh chứng cũng được. Vào tháng 5-1956, tôi có làm một bài thơ, đặt tên là Bình vỡ. Đây là bài thơ đầu tiên trong cuộc đời làm thơ của tôi. Mùa xuân năm đó, tôi gửi cho Báo Nhân Văn số 6, bài thơ đã được lên khuôn, nhưng rồi không in, vì tờ Nhân Văn số đó bị đình bản. Vậy có phải là thơ cũng có số phận không? Rồi đến bài Em ơi, Hà Nội phố cũng vậy. Bài thơ này gần nửa thế kỷ mới được công khai trên báo.
Tôi làm nó vào tháng 12-1972, khi Mỹ trút bom rải thảm xuống Hà Nội. Trong bài thơ, tôi ẩn chứa lời nhắn nhủ, là dẫu thế nào vẫn còn em, tức là vẫn còn Hà Nội. Nhưng vì họ “suy diễn”, rồi kết luận đây là này nọ, không cho đăng báo. Trong một thời gian dài, bài thơ gồm 24 đoạn này không được in trong bất kỳ tập thơ nào, chỉ đến khi nhạc sĩ Phú Quang trích vài đoạn để phổ nhạc (ca khúc Em ơi, Hà Nội phố) vào năm 1987 qua giọng ca Lệ Thu. Mọi người đừng ngạc nhiên khi thấy bài hát này có nhiều dị bản khác nhau, vì nếu tác giả không sửa thì người nghe sửa theo ý họ, hay hát nhầm lời vì không có bản gốc.
Trong giới sáng tác, khi làm thơ hay vẽ tranh, cứ sau một thời gian, không ít tác giả lại tự chỉnh sửa tác phẩm của mình. Tôi là một trong số người đó, chỉnh sửa liên tục. Và mãi đến năm 2008, bài thơ mới in trong tập Phan Vũ - thơ (NXB Văn học).
Ông nghĩ gì khi bạn bè nói ông là “người ham chơi, tài hoa và đào hoa”?
Cho tôi hỏi lại - ham chơi, tài hoa có phải là một “cái tội” không? Nếu không là “tội” thì tôi nghĩ, ai ai cũng có quyền ham chơi hết, còn tài hoa và đào hoa là do số trời định khi được sinh ra làm người, nên ai được trao thì phải nhận thôi.
Trong cuộc sống thực tế, mọi người thấy ông hay giao du với những người trẻ tuổi hơn mình?
Nếu tôi giao du với người trẻ thì đã có sao đâu? Người trẻ hay người già đều không quan trọng. Quan trọng ở chỗ khi mình nói chuyện, có thấy hợp không mà thôi. Tôi giao du với người trẻ tuổi nhiều hơn người bằng tuổi mình vì thấy phù hợp với họ. Cách nói chuyện, họ làm cho tôi vui và hình như điều tôi chưa nói ra họ đã hiểu.
Đồng hồ sinh học trong cơ thể con người có sự thay đổi khi chúng ta không còn trẻ. Giờ ở tuổi 92, ông có lập cho mình một thời khóa biểu làm việc thích hợp không?
Có chớ, nhưng phải thích nghi với quy định của tạo hóa. Tôi giờ đi ngủ sớm, 20 giờ hay 22 giờ là tùy theo tình hình sức khỏe; đến 3 giờ sáng thức dậy, vẽ hay làm thơ tùy theo cảm xúc lúc đó. Có hôm mệt, thức dậy, mà không vẽ cũng chẳng làm thơ, nằm im suy nghĩ đủ thứ chờ sáng… Bây giờ vẽ chậm lắm, khoảng một tháng mới xong một bức, có khi hơn nữa. Còn làm thơ thì phải chờ có cảm xúc.
Các bức tranh mới nhất của ông những năm gần đây được người xem đánh giá là đã gây ấn tượng mạnh về màu. Có phải đó là ý đồ, vô tình, hay ngẫu nhiên?
Tôi cố tình đó, vì lúc đó tôi đang trong giai đoạn muốn tạo ấn tượng rực rỡ về màu sắc, muốn cho các màu sắc đối chọi với nhau trên tranh. Tôi nhớ có lần cách đây gần 10 năm, tôi đã nói, tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần những bài thơ của tôi. Một cái gì như một chút bi tráng tự sự với những màu sắc rực rỡ, đối lập, nhưng lại có độ trầm tạo thành nỗi buồn dịu êm.
Bây giờ tôi đang chạy đua với thời gian hẹp và ít, chiến đấu với gã tử thần từng mi-li-phút. Mặc dù tôi biết, kết cuộc là tôi sẽ thua. Nhưng khi tôi thua, tôi vẫn còn có cái để lại cho đời, cho bạn bè, cho những người từng quen tôi, còn hắn - gã tử thần - hắn mất trắng vì chỉ cướp được cái xác trần cát bụi này thôi.
Có lần, tôi cũng đã đem cái gốc si già vào tranh, vì năm tháng qua đi, gốc si già vẫn còn đó nhưng những chùm rễ nó buông xuống là những nỗi buồn và cả sự cô đơn của kiếp người. Rồi tôi cũng đem cả những vòng xoay của đêm phố Sài Gòn vào tranh, vì đó là những vòng xoay của cuộc đời người.
Nhà thơ Phan Vũ sinh năm 1926. Năm 20 tuổi, ông đi bộ đội vào chiến trường miền Nam. Trong chiến tranh, ông có viết kịch, làm thơ, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ, như kịch Lửa cháy lên rồi (giải nhì Hội Văn nghệ Việt Nam, 1955), kịch bản phim Dòng sông âm vang… ; là đạo diễn của các phim Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại… Còn thơ, ông chỉ thực sự nổi tiếng như cồn khi nhạc sĩ Phú Quang trình làng bài hát phổ từ trường ca của ông mang tên Em ơi, Hà Nội phố. Trường ca được Phan Vũ viết vào mùa đông năm 1972 khi Hà Nội bị bom B52 đánh phá ác liệt. Trường ca gồm 23 khổ với 440 câu, nhưng nhạc sĩ Phú Quang chỉ trích, chọn lấy 21 câu thơ trong số 440 câu và bài hát đã trở thành một trong những ca khúc về Hà Nội hay nhất.