Mới đây, nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên ra mắt tập tản văn và truyện ngắn Những bà già xinh đẹp (NXB Tổng hợp TPHCM). Dịp này, bà có buổi giao lưu và trò chuyện với bạn đọc vào sáng 27-3, tại Đường sách TPHCM.
* PHÓNG VIÊN: Với tên sách Những bà già xinh đẹp, phải chăng bà đang khu biệt đối tượng đọc của mình, chỉ dành cho “những bà già”?
* Nhà thơ PHẠM THỊ NGỌC LIÊN: Không phải vậy. Tôi viết cuốn sách này trước hết là để chia sẻ với những người trên dưới 50, những người mà dù muốn dù không cũng đang ở… lứa tuổi về chiều theo như xã hội “quy định”. Sách tập hợp những câu chuyện có thật của chính tôi hoặc của các bạn đồng niên. Họ có rất nhiều nỗi niềm, kể cả những chuyện khó nói.
Ngoài ra, cuốn sách này dành cho những người thân, con cái cháu chắt của họ. Có rất nhiều người đang sống xung quanh, kề cận họ, nhưng không hiểu được họ nghĩ gì, cảm nhận ra sao. Tôi mong tất cả những người đang mang tâm trạng nặng nề vì không chia sẻ được với ai, đọc xong cuốn sách, sẽ mở lòng hơn một chút, giải thoát mình ra khỏi những điều phiền muộn để thương yêu chính mình trước đã. Sau đó, người thân, con cháu họ đọc và có thể hiểu hơn, thông cảm hơn, cư xử đúng hơn với nhau.
* Đọc Những bà già xinh đẹp, nhận ra ranh giới giữa tản văn và truyện ngắn đã được xóa mờ khi hai thể loại có sự pha trộn với nhau. Đây là chủ ý của bà?
* Đó là cách xử lý câu chuyện của tôi. Tôi không muốn người đọc có cảm giác sự thật trần trụi quá, người ta có thể nghĩ đây là một truyện ngắn, một câu chuyện, một cái tứ nào đó mà tác giả bắt được trong đời sống rồi viết ra. Mỗi lần viết một câu chuyện gì, tôi cũng đều đắn đo rất nhiều. Mình phải viết làm sao để mang lại hiệu quả tương đối cho người đọc; đồng thời cũng khiến người trong cuộc cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi không muốn họ có thêm đau khổ nào nữa.
* Hiếm hoi có một cuốn sách viết về những người ở lứa tuổi xế chiều như Những bà già xinh đẹp. Có thể xem cuốn sách như là một thông điệp của bà: già nhưng vẫn phải đẹp?
* Thực ra, chữ “xinh đẹp” tôi dùng ở đây có nhiều nghĩa, không đơn thuần chỉ về sắc diện, mà gồm cả cái tâm, cái tính và cách chọn lựa cuộc sống của họ. Xinh đẹp có nghĩa là mình sống làm sao để người ta nhìn mình, không cần ngưỡng mộ, nhưng người ta yêu quý mình là được.
Rõ ràng, nếu tôi lúc nào cũng rầu rầu, cau có thì đâu có ai thích nói chuyện với mình. Nhưng nếu tôi lúc nào cũng vui vẻ, cười nói rổn rảng, người đối diện thích thú. Với tôi, như thế cũng là một sự xinh đẹp rồi!
* Tiếp xúc hay đọc sách đều nhận ra, cuộc sống về chiều của bà có phần êm ả, lạc quan. Lẽ nào, bà thật sự không có điều gì phải bận lòng?
* Đương nhiên, nếu nói không là hoàn toàn nói dối. Điều bận lòng nhất của tôi là sức khỏe. Từ xưa tới giờ, sức khỏe của tôi vốn không được tốt vì bị hở van tim, trật đốt sống. Cho nên ngay từ lúc trẻ, tôi đã cố gắng làm sao cho mình khỏe hơn. Tôi bắt đầu tập chạy bộ từ năm 30 tuổi, mỗi ngày chạy 5km. Tôi chỉ mong mình khỏe để được chứng kiến cháu mình trưởng thành, lập gia đình.
Điều này có vẻ hơi khó khăn, vì sức khỏe của tôi mỗi ngày mỗi kém, nhưng không vì điều đó mà tôi để cho sức khỏe của mình tệ hơn. Những ngày giãn cách phòng chống dịch Covid-19, tôi cố gắng khắc phục bằng cách chạy bộ trong nhà, làm việc này việc kia, thậm chí khuân vác đồ đạc thay cho tập gym.
Các con tôi giờ đã thành đạt, có gia đình rồi, tôi vẫn nghĩ không bao giờ nên là gánh nặng của con. Mình phải tự lo cho bản thân mình. Tính tôi vốn tự lập, cũng muốn cuộc sống của con cái nhẹ bớt gánh nặng mà hàng ngày các con đã phải chịu. Cuộc sống của tôi hiện giờ rất bận rộn, nào “trả nợ” bản thảo cho các NXB, rồi phụ đạo cho các cháu. Bởi vậy, tôi không có thì giờ để buồn.
* Qua trò chuyện, nhận ra bà vẫn còn rất đắm đuối với thơ. Ấy vậy mà cũng gần 20 năm rồi, kể từ sau tập thơ Thức đến sáng và mơ (2004), bà lại rẽ hướng sang văn xuôi…
* Thực sự, hai năm vừa qua, tôi bị vỡ rất nhiều kế hoạch vì Covid-19. Vào năm ngoái, tôi có kế hoạch đi Mỹ mấy tháng, rồi cùng con gái đi chỗ này chỗ kia. Dịch Covid-19 bùng lên, tôi phải hủy toàn bộ, từ vé máy bay đến khách sạn… rồi ở rịt trong nhà. Lúc đó, các cháu cũng ở nhà, tự nhiên mình trở thành… bà già trông trẻ.
Trước đây, dù thương yêu cháu, nhưng tôi không phải trông, không phải chăm bẵm từng ly từng tí, vì những việc đó có con cái lo; các cháu cũng đi học, chẳng cần mình phải chăm. Khi các cháu chuyển sang học online ở nhà, bố mẹ chúng thì đi làm, thế nên, chuyện ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, tôi đều phải làm hết. Thời gian đó, tôi thấy mình không khác gì con kiến bò trong lòng chảo, bực bội, ngột ngạt, có lúc khiến mình phát điên.
Trong thời gian này, tôi tìm đến thơ. Trước khi dịch bùng phát, tôi có ý định in một tập thơ, đã làm xong bản thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đã viết xong lời bạt. Nhưng rồi Covid-19 bùng lên, lúc đó tôi nghĩ, thời điểm này mà đưa thơ tình yêu ra, khác nào mình là kẻ vô cảm. Tôi quyết định ngưng không in nữa.
* Nói vậy nghĩa là bà sẽ tiếp tục trở lại với thơ. Lúc đó, liệu còn một Phạm Thị Ngọc Liên “giang tay giữa trời mà hét” nữa không?
* Có thể là sang năm, hoặc vào dịp kỷ niệm 20 năm sau tập thơ cuối cùng, tôi sẽ in một tập thơ hoàn toàn không phải là tình yêu như trước. Tính mạnh mẽ, quyết liệt và hết mình trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên vẫn không thay đổi. Kể cả nói về cuộc sống, về tình yêu hay con người thì tôi vẫn là người luôn luôn đem hết trái tim của mình ra trước những con chữ.