Anh ra đi ở tuổi 72. Tuổi không còn trẻ, nhưng cũng chưa phải là già. Ngỡ như anh chưa biết có tuổi già. Bởi ai cũng nhớ về một Nguyễn Trọng Tạo rất phong độ mà mình vừa cùng uống rượu, nghe anh hát hoặc đọc thơ tại đâu đó, chưa lâu.
Nguyễn Trọng Tạo có mái tóc xoăn xoăn, bồng bềnh rất nghệ sĩ, gương mặt sáng tươi, khả ái, dáng người thư sinh, nho nhã. Anh nhập ngũ năm 21 tuổi, từ một hạt nhân văn nghệ được phát hiện ở đơn vị, anh được điều về Đoàn 22 (Quân khu 4) và giữ vai trò Trưởng đoàn văn công; ra quân chuyển ngành với cấp bậc thiếu tá.
Nguyễn Trọng Tạo là người đa tài, thuộc lớp nhà thơ chống Mỹ, có nhiều đóng góp vào kho tàng văn học giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Là nhạc sĩ, anh có nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích như: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang… Anh là họa sĩ vẽ bìa sách đoạt nhiều giải thưởng. Anh là nhà phê bình văn học được đồng nghiệp vị nể. Anh được xem là người có “con mắt xanh” từng phát hiện và dìu dắt nhiều cây bút trẻ thành danh…
Sau lần đó, tôi có gặp Nguyễn Trọng Tạo một hai lần ở Huế. Cho đến năm 2002, anh vào Vũng Tàu tham gia trại sáng tác âm nhạc, tôi có đưa cho anh chùm thơ 5 bài, trong đó có bài Khúc hát sông quê - một chương trong trường ca Thời gian khắc khoải của tôi.
Chiều ấy, anh uống khá nhiều, tôi để chùm thơ trên bàn và đi về. Sáng sớm ngày hôm sau, anh gọi điện bảo, Mậu ăn sáng chưa, ra nhà sáng tác ăn sáng, mình hát cho nghe bài hát mình vừa phổ thơ Mậu.
Tôi ra đến nơi, gần như anh cũng vừa hoàn chỉnh những nốt nhạc cuối cùng. Nhấn nhá bắt nhịp vài lần, anh cất giọng...qua...quá nửa đời phiêu dạt/Con lại về úp mặt vào sông quê...
Đã 17 năm kể từ giây phút đó, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng giọng hát của Nguyễn Trọng Tạo. Tôi là thính giả đầu tiên của ca khúc Khúc hát sông quê của anh. Nguyễn Trọng Tạo là người dễ gần. Anh không cố tạo khoảng cách để phân biệt đẳng cấp với người đi sau, với người ngưỡng mộ mình. Nguyễn Trọng Tạo nâng niu tất cả.
Anh từng viết lời tựa, lời bạt cho các tập thơ trẻ, viết lời giới thiệu in báo cho nhiều tác giả mới có sách đầu tay. Bằng tất cả sự trân trọng cần thiết, không phân biệt người ấy đã nổi tiếng hay chưa nổi tiếng. Nguyễn Trọng Tạo khen chê rất chân thành, nhiều khi chân thành đến cực đoan.
Nguyễn Trọng Tạo là một người bạn chân thành. Sau này, được quen biết, được uống rượu nhiều lần với anh, tôi thấy anh luôn luôn quên mình là Nguyễn Trọng Tạo. Vui đến giọt rượu cuối cùng.
Nguyễn Trọng Tạo là người đa tài. Điều đó nhiều người biết. Nhưng tôi còn nể anh ở sức làm việc, năng lực làm việc. Nhớ lần tôi theo chân Nguyễn Trọng Tạo đến nhậu ở nhà họa sĩ Văn Sáng. Dọc đường, có điện thoại của Báo Gia đình và Trẻ em hẹn đầu giờ chiều xin anh bài viết về Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 7 vừa bế mạc. Nhậu riết, hết chai nọ đến chai kia, đến chiều, tôi sực nhớ ra anh còn nợ bài viết như đã hứa và nhắc anh. Nguyễn Trọng Tạo uống nốt ly rượu dở rồi mới ngồi vào bàn viết. Khi anh cầm bài viết ra, chừng 2 trang đánh máy A4, lại nhậu tiếp, tôi phục lắm.
Lại một lần khác, tại Nhà khách Dầu khí cạnh nhà tôi, lúc nhậu về, cũng đã khá khuya, tôi nằm lăn ra giường, còn Nguyễn Trọng Tạo lôi laptop ra gõ cạch cạch. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Khi tôi tỉnh dậy, thấy Nguyễn Trọng Tạo gục đầu lên màn hình máy laptop ngủ ngon lành. Gần sáng, thức dậy, tôi lại đã nghe tiếng gõ máy lạch cạch rồi. Anh vừa viết xong bài báo cho một tờ báo nào đó - để ngày hôm sau đã có thể “ngồi” với bạn bè cả buổi được.
Mỗi nhà văn có một phong cách lao động sáng tạo riêng. Phong cách lao động sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo có gì đó nhập đồng, thăng hoa khác thường. Anh làm việc trong một trạng thái không chuẩn bị sẵn, không theo một kế hoạch trước (hay chí ít anh cũng gây cho tôi cảm giác như vậy) mà bằng những cảm hứng.
Đành thì tài hoa, thăng hoa nào cũng đều bắt nguồn từ một kiến thức thượng thặng. Mà kiến thức thì không thể bằng cách nào khác có được ngoài sự học, sự đọc, sự tích lũy, sự cày cuốc chăm bẵm trên từng trang sách. Có chăng, đấy là sự hơn đời trong sự đọc, sự học của họ.
Nguyễn Trọng Tạo đã tự học như thế nào, tôi không rõ, nhưng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi đọc tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn, thấy anh có tên trong danh sách các nhà dịch thơ. Tạp chí Văn học nước ngoài còn in một lúc gần 40 bài thơ dịch của anh.
Tôi lại ngạc nhiên hơn, khi đọc cuốn Văn chương cảm và luận hơn 300 trang của anh. Ngoài cái khả năng phát hiện như tôi đã kể ở trên, Nguyễn Trọng Tạo còn bộc lộ một sức đọc, sức nhớ và sức vận dụng những tri thức khoa học để lý giải nhiều vấn đề mang tính học thuật của văn học, khiến các nhà lý luận phê bình văn học phải nể phục.
Từ Bắc chí Nam, Nguyễn Trọng Tạo có nhiều bè bạn. Không ít người mắc chứng “nghiện” Nguyễn Trọng Tạo. Tôi từng chứng kiến có người tiễn Nguyễn Trọng Tạo lên tàu cánh ngầm xuống Vũng Tàu đi dự trại sáng tác xong, anh ta lại cử con đi xe máy xuống Vũng Tàu, chờ đó khi nào bác Tạo cần đi đâu thì chở bác đi! Tôi cũng đã nhiều lần lẳng lặng quan sát Nguyễn Trọng Tạo giữa đám đông và thấy, ở đâu Nguyễn Trọng Tạo cũng là tâm điểm chú ý.
Chẳng những Nguyễn Trọng Tạo có tài chinh phục đám đông, mà chính anh còn là người mang lại “hồn vía” cho đám đông. Trong bạn bè văn nghệ cũng vậy, Nguyễn Trọng Tạo đến đâu là làm cho câu chuyện ở đó, không khí ở đó bớt tẻ nhạt.
Vui là thế, nhưng khi cần Nguyễn Trọng Tạo cũng nóng nảy, quyết liệt. Anh không chấp nhận sự khoe giàu, hãnh tiến về địa vị hay tiền bạc trước đám đông. Anh có thể ngồi cả ngày (chính xác là 25 giờ) được, nhưng sẵn sàng đứng dậy khi tiệc vừa bắt đầu, nếu không thích.
Theo một hệ quy chiếu nào đó, thì Nguyễn Trọng Tạo cũng là người gặp không ít gập ghềnh trên đường đời. Nhưng suy cho cùng, tất cả những khó khăn, khúc khuỷu, gập ghềnh mà người nghệ sĩ phải nếm trải cũng chỉ làm cho họ thêm đầy đủ hơn “gia vị” ngọt, lạt, chua, cay của cuộc đời, để hun đúc nên chính họ.
Hãy hình dung một Nguyễn Trọng Tạo chính khách, một nhà quản lý, một giáo chức… thì chưa hẳn đã có một Nguyễn Trọng Tạo hiện diện trong đời sống, trong sự quý mến của của mọi người như là Nguyễn Trọng Tạo nhà thơ, nhạc sĩ, như là Nguyễn Trọng tạo là tác giả Làng quan họ quê tôi và Khúc hát sông quê nổi tiếng.
Vĩnh biệt anh, một nhà thơ, một nhạc sĩ tài hoa, một người bạn lớn hết sức giản dị, chân thành, người để lại một khoảng trống không hề nhỏ trong đời sống tinh thần của đất nước. Với những gì đã cống hiến cho đất nước, anh sẽ còn sống mãi cùng quê hương đất nước!