Nhà thơ Lữ Mai ra mắt truyện dài thiếu nhi "Dưới khung trời ngát xanh"

Lần thứ hai chạm ngõ văn học thiếu nhi, nhà thơ Lữ Mai gây bất ngờ khi ra mắt truyện dài Dưới khung trời ngát xanh (Linh Lan Books và NXB Văn học). Trước đó, khi còn ở dạng bản thảo, tác phẩm này đã đoạt giải Khát vọng Dế Mèn của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 năm 2024.

Nhà thơ Lữ Mai thuộc thế hệ 8X. Những năm gần đây, không ít đồng nghiệp lấy làm khâm phục trước sức sáng tạo của chị khi liên tục có tác phẩm được ra mắt. Đến nay, chị đã xuất bản 16 tác phẩm chính, đa dạng về thể loại và đề tài, trong đó nổi bật là ba tập trường ca: Ngang qua bình minh (2020), Chư Tan Kra mây trắng (2021), Hồi sinh (2022)... viết về các đề tài đặc biệt, như: chủ quyền biển đảo, người lính và chiến tranh cách mạng, đại dịch Covid-19.

1000035650.jpg
Với "Dưới khung trời ngát xanh", nhà thơ Lữ Mai như tái hiện tuổi thơ êm đẹp của thế hệ 8X và 9X

Vào năm 2022, nhà thơ Lữ Mai kết hợp cùng chồng là nhà thơ Đoàn Văn Mật ra mắt bộ sách 5 tập “Thơ hay cho bé học nói”. Đây có thể xem như “viên gạch” đầu tiên để chị chuyển hướng sang viết cho thiếu nhi. Truyện dài Dưới khung trời ngát xanh chính là sự tiếp tục của mạch đề tài ấy.

Tác phẩm có dung lượng 140 trang, chia thành 14 chương, gồm: Mềm như tơ, Lều cỏ, Đắng ngọt chôm chôm, Hương đồi, Đuôi thằn lằn, Đám ma châu chấu, Vòm cống bí ẩn, Bí mật về chiếc bóng, Làng có khách, Ao Sao Ao Dành, Hang cua núi, Người lớn kể, Theo bà đi chợ, Hoa Đón Thu.

Dưới khung trời ngát xanh tái hiện cuộc sống rộn rã thanh âm, sinh động sắc màu của đám trẻ xóm Đồi, làng Ghe - nơi được núi sông bao bọc bốn phía. Ký ức tuổi thơ ấy tuy nghèo khó, thiếu thốn nhưng tràn đầy tình yêu thương, nên thơ và vô cùng đẹp đẽ. Ở đó, người đọc có thể hòa vào nhịp điệu hồn nhiên của tuổi thơ trong hành trình kỳ thú của trẻ làng trẻ xóm, từ nhỏ đã tự lập, đùm bọc, chia sẻ với nhau và với cộng đồng. Chúng vui thú với vườn tược, ruộng đồng, quê hương bản quán; cùng nhau đắm say trong những trò vui như: đổ lỗ dế, dựng lều cỏ, bẫy chuồn chuồn… hay cả những trò nghịch dại khi lấy cành xoan trêu ngỗng, trêu tổ ong vàng…

Song song với mạch truyện, tác giả đã khắc họa được vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống thôn dã với dòng sông uốn lượn, núi đồi bao phủ, ao chuôm, đồng bãi, mùa vụ… hòa quyện với nếp sống hiền hòa, mộc mạc, giàu bản sắc nông thôn. Nơi đó, theo những nhịp chuyển mùa là sự rung rinh xao xác của con người và cảnh vật. Tác phẩm như một bức tranh ngập tràn màu xanh và nhiều chi tiết như: đường đê, bờ ao, làn khói, hương đồi, côn trùng... được tác giả miêu tả khá tỉ mỉ, trau chuốt.

Kết nối mạch truyện đó chính là giá trị tinh thần thể hiện qua sự gắn bó, yêu thương với đủ các cung bậc cảm xúc của con người, cảm động có, ly kỳ có và sâu xa. Sâu nặng hơn nữa chính là sự kết nối, tri ân của thế hệ tương lai với lịch sử, với quá khứ hào hùng của dân tộc, những anh hùng đã làm nên tên đất, tên làng. Nhiều chương trong tác phẩm có thể sẽ mang đến niềm xúc động với độc giả, đó là Ao Sao Ao Dành, là những bông hoa Đón Thu trắng muốt, thơm ngát gắn với câu chuyện đau thương, hào hùng của chiến tranh mà dư âm còn đọng lại tận mai sau.

Dưới khung trời ngát xanh không chỉ hướng đến đối tượng thiếu nhi mà đó còn như một phần những trang hồi ức của thế hệ cuối 8X, đầu 9X - cùng thời với tác giả và cả những con người yêu văn chương, yêu thiên nhiên, xúc động trước giá trị nhân văn sâu thẳm, muốn tìm về với khung cảnh làng quê yên bình để làm dịu đi tâm hồn mình giữa xã hội ồn ào, náo động.

Tin cùng chuyên mục