Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, tại Quảng Bình. Bà là vợ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, có nhiều năm sống và làm việc tại Huế. Hơn 10 năm trở lại đây, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chuyển vào TPHCM sống cùng gia đình con gái. Những năm cuối đời, bà mắc bệnh alzheimer.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được xem là gương mặt thơ nữ ấn tượng ngay từ lần xuất hiện đầu tiên |
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện trên văn đàn từ năm 20 tuổi và nhanh chóng tạo dựng được phong cách riêng. Nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà từng nhận định: “Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là tiếng nói đồng cảm đầy khẩn thiết của bao nhiêu số phận, trong đó, hướng về chung quanh trong sự khai thác cạn kiệt chính mình là cái nhìn nhân ái, là thi pháp tự suy đã qua chiêm nghiệm và thay đổi ngôn từ thi ca. Thơ chị kết hợp được chất thực cuộc sống và ngôn ngữ đa dạng, tạo ra những dồn ép, biến ảo, chồng chéo về hình ảnh, đối tượng như huyền thoại, cổ tích nhưng không hề có dấu vết của sự làm dáng”.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, từng học Trường viết văn Nguyễn Du; tham gia khóa đào tạo tại Học viện Gorki (Liên Xô), ủy viên BCH Hội nhà văn Việt Nam khóa III và IV. Sau thời gian làm việc tại Ty Văn hóa Quảng Bình, bà chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên tại Tạp chí Sông Hương của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế.
Bà sớm gặt hái được những giải thưởng văn chương danh giá. Vào năm 1973, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ giành giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ với chùm thơ: Khoảng trời, hố bom; Gặt đêm; Đường ở Thủ đô. Đặc biệt, thi phẩm Khoảng trời, hố bom được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường.
Bên cạnh đó, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ còn nhận được giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Bài thơ không năm tháng năm 1983; Giải A thơ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1999; Giải A thơ Giải thưởng văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2004) của UBND tỉnh và Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên - Huế. Năm 2007, bà được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 3 tập thơ: Trái tim sinh nở (1974), Bài thơ không năm tháng (1983) và Đề tặng một giấc mơ (1988).
Các tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có thể kể đến: Trái tim sinh nở (thơ, 1974), Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983), Danh ca của đất (truyện thiếu nhi, 1984), Nai con và dòng suối (truyện thiếu nhi, 1987), Phần thưởng muôn đời (truyện thiếu nhi, 1987), Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989), Mẹ và con (thơ, 1994), Đề tặng một giấc mơ (thơ, 1998), Hồn đầy hoa cúc dại (thơ, 2007). Đặc biệt, vào năm 2005, tập thơ gồm 56 bài Cốm Non (Green Rice) do bà tự tuyển chọn được Nhà xuất bản Curbstone dịch sang tiếng Anh và phát hành tại Hoa Kỳ.
Linh cữu nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ quàn tại nhà riêng (Phòng 5, Lầu 10, Chung cư Samland, 178/6 Nguyễn Văn Thương, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM). Lễ viếng bắt đầu lúc 15 giờ ngày 6-7, lễ động quan được tổ chức vào lúc 8 giờ ngày 9-7, sau đó, linh cữu của bà được hỏa táng tại Phúc An Viên ở TP Thủ Đức (TPHCM).