Cộng gộp hai tập Thơ Đoàn Vị Thượng với Thơ tình và những bài áo trắng, được hơn 150 bài thơ, liệu đã quy tụ đầy đủ những gì nhà thơ sáng tác suốt 62 năm trên cõi người chưa? Có lẽ tương đối. Bởi lẽ, Đoàn Vị Thượng viết khá ít, và cũng không mưu cầu giục giã bản thân phải chạy đua số lượng tác phẩm. Đối với Đoàn Vị Thượng, thi ca không có ý nghĩa vang danh lập dạng mà giống như một phương tiện đồng hành: “Tôi còn trong túi bài thơ/ Đem ra nhầm với giấy tờ tùy thân”.
Năm 1976, nhà thơ Đoàn Vị Thượng ở tuổi 17 viết bài Lời trăng xanh có hai câu ấn tượng: “Em giấu thân trong áo/ Tôi nghe buồn gương soi”. Đó là chỉ dấu của một tài thơ. Nếu anh tiếp tục chìm đắm với mạch nguồn trắc ẩn ấy, chắc chắn sẽ thành một sự nghiệp tầm cỡ. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, Đoàn Vị Thượng chọn nghề sư phạm rồi đi làm báo. Thơ cư ngụ trong lòng anh như một sự nương tựa, thỉnh thoảng mới xuất hiện thành văn bản.
Thời thanh xuân, nhà thơ Đoàn Vị Thượng từng hồ hởi: “Với những hy vọng của tôi, tôi không giữ trong lòng/ Tôi ao ước được chia đều tất cả/ Và cũng muốn được nhận nhiều hơn thế/ Tôi tắm mình trong bầu bạn anh em”.
Và anh đã có khoảng một thập niên dạt dào vần điệu. Với thái độ gượng nhẹ những xung khắc và bất hòa xung quanh, nên thơ Đoàn Vị Thượng không mạnh về ngổn ngang thế sự, về triết lý nhân sinh, về xói mòn đạo đức. Thơ Đoàn Vị Thượng chọn cách “đi theo áo trắng” để đứng gần những tình cảm trong trẻo: “Anh đi dò lại mười năm trước/ Dù vắng quanh đây bóng bạn bè/ Khi bị những oán thù vây rượt/ Anh nhờ áo trắng dịu dàng che”.
Cuộc sống đời thường không thích chen lấn, không ưa tranh cãi của Đoàn Vị Thượng đã chi phối đời thơ của anh lắm hao hụt, thiệt thòi. Tuy nhiên, với những gì để lại, nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã có một vị trí trong lòng bạn đọc: “Tôi soi vào từng con mắt lánh đen/ Từng con mắt, từng tấm gương thần thoại/ Tôi thấy tôi đời hơn, tôi thấy tôi trẻ lại/ Tôi thấy tôi biến hóa trăm lần/ Tham dự vào vô số cuộc hôn nhân/ Của đời sống, của tình yêu nhân loại” (Mắt hồng nhan)