Những người từ chiến trường ra
Năm 1971, đoàn học viên lớp học đặc biệt Trường viết văn Quảng Bá (Hội Nhà văn Việt Nam) lên đường vượt Trường Sơn vào thẳng chiến trường Nam Bộ. Mới đi được hơn 1 tháng, gần nửa đoàn phải nằm lại trong các bệnh xá vì sốt rét. Những người còn lại vào đến chiến trường, bắt đầu trải qua những ngày tháng ác liệt ở Bù Đốp, Lộc Ninh, Tây Ninh, Phước Long, Bình Long, ở R và vùng ven lộ 4, vùng Đồng Tháp Mười… cho mãi đến ngày 30-4-1975.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, thật xúc động khi sáng ngày 12-10, tại hội trường Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM, những con người viết văn lên đường ngày ấy lại có dịp gặp lại nhau: Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phan Xuân Biên, nguyên Thành ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Dương Trọng Dật, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Lê Quang Trang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM; Thanh Thảo, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi… Họ cùng có mặt tại đây để tưởng nhớ về một người bạn, một người đồng đội: nhà thơ Đỗ Nam Cao. Tại buổi tọa đàm còn có chị Trần Thu Hồng - người vợ yêu quý của nhà thơ Đỗ Nam Cao cùng các bạn bè thơ văn, các thế hệ nhà thơ, nhà văn trẻ...
Tại tọa đàm, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhận xét: “Hành trình sáng tạo của nhà thơ Đỗ Nam Cao là một con đường của đam mê và hồn nhiên. Ông đam mê với cái đẹp bất tận, và ông hồn nhiên trước toan tính được thua. Ông đi bên lề danh lợi để ôm ấp một nhu cầu lớn lao là sự gắn bó giữa con người và con người”.
Một đời làm thơ về quê hương
“Xuồng đi hối hả tiền phương/ Băng qua đồng cỏ chiều buông Tháp Mười/ Mây hừng lên sắc đỏ tươi/ Một con cò trắng ngang trời liệng chao…”. Nhiều thế hệ ở R (Trung ương Cục miền Nam) ngày ấy, trong tâm khảm luôn mang những vần thơ này của nhà thơ Đỗ Nam Cao. Và đến nay, những giá trị văn chương trong từng tác phẩm của Đỗ Nam Cao vẫn còn nguyên vẹn trong lòng độc giả.
So với những nhà thơ cùng thế hệ, có thể thấy số lượng tác phẩm mà nhà thơ Đỗ Nam Cao để lại không nhiều, nhưng ông lại có những bài thơ hay, vượt lên khỏi thời gian. Bài thơ Gửi quần đảo Trường Sa là một tác phẩm như vậy, được nhà thơ Thanh Thảo đánh giá là bài thơ hay nhất viết về Trường Sa với những câu thơ đầy ám ảnh: “Các anh chết làm gì có mộ/ Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn/ Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng/ Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương”.
Nhà phê bình Lê Quang Trang thì cho rằng: “Có lẽ, để viết được những dòng thơ mang đậm tình yêu quê hương đó, anh đã hấp thu một phần từ kho tàng văn hóa dân gian mà mẹ anh đã gieo vào tâm hồn anh từ thuở ấu thơ, rồi từ ghế nhà trường, và cả trong cuộc đời đầy dông gió, trải nghiệm”.
Nhà thơ Đỗ Nam Cao sinh ngày 8-6-1948 tại làng Mỹ Lâm, xã Liên Hòa, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Năm 1971, ông cùng nhiều văn nghệ sĩ, trí thức cùng thời tình nguyện vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà thơ Đỗ Nam Cao lần lượt công tác tại Viện Văn học TPHCM; NXB Văn hóa Thông tin (chi nhánh TPHCM). Ông là hội viên Hội Nhà văn TPHCM và hội viên Hội Nhà văn Việt Nam… Ông mất ngày 8-11-2011 tại TPHCM.