Sĩ Hoàng là một trong những thương hiệu hàng đầu của thời trang áo dài Việt Nam. Để nói về áo dài, với nhà thiết kế này, chỉ duy nhất một chữ có thể diễn tả trọn vẹn cảm xúc: Thương. Vì chữ “thương” đó, nhiều năm qua, anh xây dựng Bảo tàng Áo dài để thúc đẩy việc gìn giữ và quảng bá, xây dựng Viện Nghiên cứu trang phục Việt. Đó là một hành trình đam mê, không biết mệt mỏi.
Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với NTK Sĩ Hoàng, để nghe anh chia sẻ về hành trình này.
* NTK Sĩ HOÀNG: Áo dài đẹp, có sức hút bởi thể hiện tính cách của người phụ nữ, đẹp một cách kín đáo, dịu dàng, ý tứ, đạo đức. Đây là một trong số ít những trang phục truyền thống đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, lại duy trì được bản sắc dân tộc. Qua nghiên cứu, tôi thấy áo dài còn thể hiện giá trị nữ quyền. Trong toàn bộ quá trình phát triển của áo dài qua các thời kỳ, nó ẩn chứa tiếng nói nữ quyền rất mạnh mẽ, từ kiểu dáng, chất liệu. Ngày xưa, phụ nữ ít được đi học, luôn nhẫn nhịn, chịu đựng ở phía sau người đàn ông. Hình ảnh họ thường xuất hiện trong chiếc áo tứ thân, năm thân màu nâu, đen. Dáng người phụ nữ xưa trong trang phục thường thu lại, khép nép. Trừ số ít nhân vật nổi bật trong lịch sử còn đại đa số là vậy.
Nhưng khi ảnh hưởng nền văn hóa Tây phương, phụ nữ đi học nhiều hơn, họ làm ký giả, nhà văn, doanh nhân, họa sĩ, luật sư… Và cột mốc năm 1934, chiếc áo dài tân thời ra đời. Trước đây, áo dài màu tối, kiểu dáng rộng thùng thình, đường nét cơ thể không được biểu lộ, thì nay màu sắc tươi mới, áo được may chít eo, ôm sát. Phụ nữ được quyền thể hiện sắc diện, dáng vóc. Từ năm 1958, kiểu áo dài cổ thuyền độc đáo gây chấn động trong giới thời trang quý bà. Tới cuối những năm 1960, phụ nữ cực kỳ năng động, tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều, họ chuộng áo dài kiểu hippy ảnh hưởng trào lưu văn hóa và thời trang Hippies bắt nguồn từ Mỹ, thể hiện cho triết lý “Sống hết mình”. Sau ngày giải phóng, phụ nữ không chỉ mặc áo dài trong đời thường mà còn xuất hiện trên sân khấu thi sắc đẹp, bước ra thế giới nhiều hơn, cực kỳ lộng lẫy, nổi bật. Họ trở thành nhân vật trung tâm, tiêu điểm mọi sự chú ý. Phải nhìn ở góc độ xã hội học để thấy rằng, vai trò nữ quyền thể hiện rất rõ nét ở chiếc áo dài.
-Đã có sự xuất hiện của nhiều chiếc áo dài cách tân, thậm chí được thiết kế táo bạo, lai căng. Anh nghĩ như thế nào về điều này?
* Cách tân là điều cần thiết, có thể giúp sản phẩm tiện dụng, phù hợp, tốt hơn. Không riêng gì áo dài, mà mọi thứ phải theo quy luật đó. Nhìn về lịch sử áo dài, sự cách tân là điều đang diễn ra. Nhưng khi cách tân phải giữ hồn cốt để không cần phải giải thích “đây là áo dài”. Điều này thể hiện tài năng, kiến thức, chuyên môn, cái tâm, cái tầm của người thiết kế. Có khoảng thời gian, người ta mặc áo dài, váy đụp nhiều lắm nhưng giờ hiếm người mặc rồi.
-Theo anh, người Việt đã biết trân trọng áo dài chưa?
* Trước đây, chúng ta không thể nghĩ áo dài có thể bị “xâm chiếm”, bởi áo dài vốn là biểu tượng văn hóa trang phục khi nhắc đến Việt Nam. Nhưng trước sự ngang nhiên nhận vơ của nước khác, chúng ta phải có hành động kịp thời khẳng định thương hiệu áo dài là của Việt Nam. Và đúng là bên cạnh thương hiệu, mỗi người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ, phải thấy được việc mặc áo dài không chỉ để đẹp, làm nhân vật trung tâm, mà còn là trách nhiệm công dân. Nếu mình ít mặc, mình chê áo dài với 1.001 lý do thì sau này con cháu mình cũng không mặc; mà khi không sử dụng thì có thể người ta lấy mất đi. Phải xem việc mặc áo dài trong những dịp cần thiết của đất nước, cộng đồng hay của gia đình là trách nhiệm công dân. Văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị nếu được sống trong lòng đời sống hàng ngày.
- Bảo tàng Áo dài là 1 trong 2 bảo tàng tư nhân của TPHCM. Anh còn thành lập thêm Viện Nghiên cứu trang phục Việt. Để xây dựng và duy trì các điểm văn hóa này, anh gặp những khó khăn nào?
* Đối với tôi không có khái niệm áp lực hay khó khăn, chỉ là những thử thách. Nếu cứ nghĩ khó khăn thì sẽ dễ nản, sợ, ngại. Nhìn mọi thứ ở góc độ thử thách, tôi muốn chinh phục. Từ khi mở cửa đến nay, Bảo tàng Áo dài đã tự nuôi được nó rồi. Nếu Bảo tàng Áo dài mang tính sưu tầm và trưng bày thì Viện Nghiên cứu trang phục Việt mang tính sưu tầm và nghiên cứu, học thuật. Cứ 2 tháng ở Bảo tàng Áo dài có 1 triển lãm chuyên đề, Viện Nghiên cứu trang phục Việt có 1 tọa đàm.
* TPHCM, Sở Du lịch, các cơ quan báo chí… đã hỗ trợ Bảo tàng Áo dài rất nhiều về mặt pháp lý, quảng bá. Do đó, chính bảo tàng cũng phải vận động, phát triển nâng cao chất lượng. Trong hành trình này, ngoài sự ủng hộ của thành phố, nhiều người thân, bạn bè, khán giả, thì cũng có không ít ý kiến trái chiều, thậm chí viết mail, gửi tin nhắn rằng: “Có tiền sao không kinh doanh để thu hồi vốn nhanh và nhiều hơn?”, “Có tiền sao không đi làm từ thiện cho nổi tiếng, làm bảo tàng cho ma nó vào coi hả?”… Tôi cảm thấy đơn độc khi trong quá trình thực hiện chưa nhận được trọn vẹn sự đồng tình, nhiều người vẫn chưa xem trọng yếu tố văn hóa. Tuy nhiên, tôi không quan tâm, bởi tôi hiểu mình là ai, mình tâm huyết điều gì, hiểu việc mình làm và kết quả sẽ ra sao .