Gieo và lan tỏa
Không phải lần đầu Duy được xướng tên ở một giải thưởng danh giá, đặc biệt là giải dành cho người làm sáng tạo, nhưng đề cử lần này vẫn có một ý nghĩa đặc biệt với anh. Bởi Gieo đã trở thành điểm hội tụ để gieo những ý tưởng và khát vọng của người trẻ có quan điểm, có kiến thức và muốn cất lên tiếng nói của thế hệ mình. Dù Duy chẳng phải là “fan cứng” của Ngọt và dù “nhà nằm cùng một dãy phố”, nhưng đến khi thực hiện album này, họ mới gặp nhau.
Khác với thiết kế truyền thống, thiết kế của Gieo có rất nhiều phần như poster, thẻ lời bài hát, CD, photobook, giấy ghi chú, sticker, hạt giống, mút xốp để gieo hạt… Mọi sáng tạo mới đều là kết quả của một quá trình tích lũy, giống như vòng đời của hạt giống. Những hạt giống này được gieo trồng một cách ẩn dụ trong “chiếc hộp thời gian”.
Hỏi Duy có chạnh lòng khi đã gặt hái không ít thành công nhưng đến sản phẩm này mới được biết đến rộng rãi? Duy cười hiền: “Có lẽ đó là đặc thù của ngành giải trí”. Giải thưởng chưa bao giờ là đích đến của Duy mỗi khi bắt tay vào dự án. Điều Duy hướng đến chính là tiêu chí của những người được giải. Duy là minh chứng cho câu nói, hãy theo đuổi đam mê (tất nhiên bao hàm cả tài năng trong lĩnh vực), thành công sẽ theo đuổi bạn.
Duy chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ, vui nhất là lúc được thành quả này nọ, nhưng với tôi, vui nhất chính là lúc được làm, được nghiên cứu, thảo luận với nhóm, thuyết phục mọi người tin vào một thứ chưa tồn tại, giải thích một ý tưởng chưa ai làm bao giờ”.
Tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế tại Art Center College of Design (California, Mỹ - 1 trong 10 trường thiết kế hàng đầu thế giới), Duy từng đầu quân cho các công ty thiết kế lâu đời tại Mỹ và làm việc với nhiều thương hiệu toàn cầu danh tiếng như Google, Facebook, Twitter, Oppo, Logitech…
Mặc dù vậy, tiếng nói bên trong Duy luôn thôi thúc anh trở về, mở một công ty sáng tạo tại Hà Nội. “Lúc còn ở Mỹ, tôi luôn ấp ủ ước mơ mở một studio thiết kế vươn tầm quốc tế ở Việt Nam do người Việt vận hành”, Duy cho biết.
Con nhà nòi
Không thường xuyên dùng mạng xã hội, cũng không phải tuýp người thích xã giao, hay ưa chốn đông người, Duy đặc biệt quan tâm đến việc làm giàu vốn sống. Anh đọc nhiều loại sách, thích đi đây đó, tìm tòi, khám phá hoặc hòa vào cuộc sống thường nhật để nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo. Dù đã sống ở Mỹ gần 10 năm nhưng Duy vẫn “giữ” được tâm hồn thuần Việt. Hệt như cách mà văn hóa Việt Nam và truyền thống của gia đình đã ngấm vào máu thịt, vào hơi thở của Duy.
Ông nội của Duy - NSND Đào Đức là chỉ đạo mỹ thuật/ họa sĩ thiết kế đầu tiên và xuất sắc của Hãng phim truyện Việt Nam. Bố của Duy là họa sĩ Đào Hải Phong, người theo anh là sở hữu chất “nghệ” nhất nhà. Mặc dù vậy, Duy thừa nhận, anh chẳng phải người giỏi mà chỉ may mắn thừa hưởng được một chút của ông, của bố và nhiều thế hệ trước. Duy vẫn đang nỗ lực giữ gìn những gì thuộc về sáng tạo của người Việt.
Một điều khá thú vị, dù là con nhà nòi, song thoạt đầu Duy không được gia đình ủng hộ theo ngành thiết kế. Bố mẹ không cấm cản nhưng vẫn muốn Duy chọn một nghề nghiệp ổn định hơn. Thật may mắn, sự kiên trì và tài năng của Duy đã thuyết phục gia đình.
Yêu quê hương và văn hóa Việt, nhưng trong mỗi sáng tạo Duy không khiên cưỡng đưa yếu tố Việt Nam vào. Duy tâm niệm: “Nhà thiết kế cần biết sử dụng yếu tố bản địa, truyền thống đúng lúc, đúng chỗ để không bị lạm dụng, và không bị những yếu tố đó nuốt mất ý tưởng của một thiết kế”.
Theo Duy, chỉ có không ngừng tích lũy vốn sống, không ngừng trau dồi chuyên môn mới có thể dung hòa được hai khía cạnh văn hóa và xu hướng trong một thiết kế. Một khi làm được điều ấy, người làm thiết kế và sáng tạo Việt có thể tự tin hòa vào dòng chảy sáng tạo trong khu vực và thế giới vẫn đang cuồn cuộn.
Duy Đào (tên thật là Đào Đức Duy) từng 3 lần đoạt giải thưởng của Art Director Club (Hiệp hội Nghệ thuật), 2 lần đoạt giải thưởng International Design Award (Thiết kế quốc tế toàn cầu), 4 lần đoạt giải thưởng của Type Director Club (Hiệp hội Thiết kế nghệ thuật chữ), và 2 lần đoạt giải Adobe Achievement Award (giải thưởng Thành tựu Adobe).
Duy Đào còn có những tác phẩm và dự án được xuất bản trên nhiều ấn phẩm uy tín như sách Những tác phẩm chữ đẹp nhất thế giới 2018, có tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Thiết kế Cooper Hewitt (New York).