Đơn kiến nghị nêu rõ, ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng khan hiếm vật liệu và giá cả tăng mạnh đã khiến các nhà thầu đang đối mặt nguy cơ phá sản, dự án có nguy cơ vỡ tiến độ. Trong đó, khó khăn lớn nhất mà các nhà thầu gặp phải là tình trạng nhiều loại vật liệu chính như: thép, đất đắp, đá, cát, bê tông nhựa, xi măng… và xăng dầu tăng giá đột biến ngay sau khi các dự án khởi công và tiếp tục leo thang.
Đến nay, giá đất đắp tại các dự án đã tăng khoảng 30 - 50% (có gói thầu tăng 154%), cát vàng tăng 15 - 40% (có gói thầu tăng 187%), nhựa đường tăng 35 - 50%, đá đổ bê tông nhựa tăng 20 - 55%, đá dăm loại 1 tăng 30 - 45% (có gói thầu tăng 129%), dầu diesel tăng 138 - 163%, thép tăng 40 - 50% (có thời điểm tăng 70%), xi măng tăng 20 - 35%, giá cước vận chuyển cũng khoảng 30 - 40%.
Đặc biệt, đất đắp nền đường là loại vật liệu không được điều chỉnh giá theo hợp đồng dù mỗi gói thầu cần vài triệu m³ đất đắp (chiếm giá trị từ 15 - 25% giá trị hợp đồng).
Tính chung, biến động vật liệu thời gian qua đã làm tăng khoảng 20 - 30% so với giá trị hợp đồng. Việc này khiến đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn thành không đủ để mua vật tư, vật liệu khi bên bán vật liệu đều yêu cầu thanh toán 100% trước khi nhận hàng.
Thực trạng này khiến nhiều nhà thầu mất cân đối nghiêm trọng dòng tiền, suy kiệt về tài chính và đang trên bờ vực phá sản, tiền thanh toán từ chủ đầu tư không đủ trang trải chi phí thi công vì đã chạm ngưỡng hạn mức vay ngân hàng để bù đắp thiếu hụt dòng tiền.
Trong thời gian 3 - 4 tuần trở lại đây, tại nhiều dự án, các nhà thầu đã không thể duy trì được tiến độ công việc. Nếu không có giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ vỡ tiến độ tại các dự án là hiện hữu.
Các nhà thầu kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các bộ: GTVT, Xây dựng, KH-ĐT xem xét tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu.
Cụ thể, đối với các dự án đầu tư công, Bộ GTVT cần thuê tư vấn căn cứ thực tế biến động giá nhựa đường, sắt thép, cát, đá, xi măng trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, xây dựng giá tại chân công trình và chỉ số giá riêng cho các gói thầu làm cơ sở tính toán điều chỉnh giá cho nhà thầu nhằm bù đắp một phần thiệt hại do biến động giá. Đồng thời, bổ sung đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng …
Bộ Xây dựng kiểm tra và đề nghị các địa phương khảo sát, xây dựng và công bố đơn giá nhân công sát với biến động thực tế hiện nay làm cơ sở xác định chỉ số nhân công phục vụ tính toán điều chỉnh giá theo hợp đồng.
Đối với các dự án thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT), cho phép được điều chỉnh giá hợp đồng dự án khi chỉ số trượt giá vật liệu, nhiên liệu trong thời gian xây dựng dự án vượt quá chỉ số trượt giá đã tính toán trong tổng mức đầu tư của dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư trong trường hợp chi phí trượt giá làm vượt tổng mức đầu tư.