Theo đó, Chính phủ Ai Len đã cam kết hỗ trợ khoản tiền viện trợ không hoàn lại tối đa 12 triệu Euro cho Dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135” trong 4 năm tài khóa từ 2017 đến 2020.
Căn cứ thỏa thuận giữa hai Chính phủ, ngày 30-11-2017, Đại sứ quán Ai Len đã chuyển số tiền 3 triệu Euro của năm tài khóa 2017. Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan của Chính phủ đã hoàn thành thủ tục tiếp nhận khoản viện trợ, chuyển thành nội tệ và đã nộp ngân sách trung ương.
Do khoản tiền viện trợ này được Chính phủ Ai Len thông báo sau khi Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (vào ngày 29-11-2017), nên khoản viện trợ này chưa được Quốc hội phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2018, chưa được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 để phân bổ và giao cho các địa phương có liên quan.
Theo yêu cầu tại Thỏa thuận tài trợ, với nguồn vốn năm tài khóa 2017, Đại sứ quán Ai Len chuyển tiền cho Bộ Tài chính Việt Nam từ tháng 11-2017, đến tháng 9-2018, Chính phủ Việt Nam sẽ phải báo cáo tiến độ giải ngân của nguồn vốn viện trợ này, trong báo cáo tiến độ giải ngân của các địa phương đến tháng 9-2018 phải có ít nhất 50% công trình được khởi công. Nếu Chính phủ Việt Nam không đảm bảo cam kết tại Thỏa thuận tài trợ thì có khả năng Chính phủ Ai Len sẽ cắt nguồn vốn viện trợ các năm tiếp theo.
Do đó, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135” sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len. Giao Chính phủ hàng năm xây dựng phương án sử dụng nguồn vốn viện trợ này để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch đầu tư các năm tiếp theo trong giai đoạn 2018-2020; trên cơ sở đó, giao Chính phủ chủ động phê duyệt phân bổ chi tiết cho các địa phương triển khai thực hiện.
Chính phủ cũng đề nghị được bổ sung dự toán thu viện trợ năm 2018 từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len đồng thời bổ sung tương ứng kế hoạch chi đầu tư từ nguồn vốn này cho 5 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ thẩm quyền xem xét quyết định bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tuy nhiên, do đây là khoản viện trợ ODA không hoàn lại, có tính cấp bách nên trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, nhất trí về nguyên tắc, cho phép Chính phủ tiếp nhận, phân bổ, giao vốn và chỉ đạo giải ngân theo tiến độ của dự án và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội nội dung này tại kỳ họp thứ 6 để Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, từ tháng 11-2017 nhà tài trợ đã chuyển tiền theo đúng cam kết, tuy nhiên, đến nay Chính phủ mới có tờ trình về vấn đề này là quá chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Vì thế, Đại sứ Ai Len tại Việt Nam đã có thư phản ánh sự chậm trễ này đến Chủ tịch Quốc hội. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rút kinh nghiệm về việc chậm trễ; khẩn trương xem xét trình cấp có thẩm quyết giải quyết kịp thời vướng mắc, tránh xảy ra các trường hợp tương tự.
Lưu ý đến chi tiết nhà tài trợ gửi thư đến Chủ tịch Quốc hội, phàn nàn về tiến độ chậm trễ trong xử lý thủ tục liên quan đến khoản ODA này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm.