Ngày 24-7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016 đã làm việc với các nhà tài trợ. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự cuộc làm việc có đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết Đức, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc; đại diện Kiểm toán Nhà nước; các chuyên gia, ĐBQH một số tỉnh, thành phố.
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát của UBTVQH đã nghe đại diện các nhà tài trợ báo cáo đánh giá tổng quan về công tác thực hiện các dự án vốn ODA trong giai đoạn 2011 - 2016; những kiến nghị đối với chính sách, pháp luật liên quan, cũng như cách thức triển khai dự án ODA.
Theo đại diện WB tại Việt Nam, trong giai đoạn được giám sát, cam kết ròng và tỷ lệ giải ngân các dự án ở nước ta đều ở mức cao. Qua quá trình rà soát nội bộ, khoảng 84% dự án thỏa mãn yêu cầu. Đây là một kết quả rất tốt so với nhiều quốc gia nhận vốn vay của WB. Các dự án sử dụng vốn vay của WB đã được rút ngắn thời gian giải ngân, chỉ còn khoảng 3 - 4 tháng kể từ khi được nhà tài trợ phê chuẩn. Bên cạnh việc nguồn vốn vay được phân bổ đúng thời hạn, việc Chính phủ chủ động trong loại bỏ các dự án không khả thi đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay...
Mặc dù vậy, cũng đã có một số vướng mắc, hạn chế phát sinh trong quá trình triển khai các dự án sử dụng vốn tài trợ. Đó là quy trình ra quyết định vẫn phức tạp; các bộ, ngành, địa phương được thụ hưởng vốn vay chưa sẵn sàng; chậm hoặc thiếu vốn đối ứng…
Đại diện WB kiến nghị, Chính phủ sớm nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung 11 dự án vừa được WB phê duyệt vào danh mục các dự án đầu tư trung hạn; bổ sung ngân sách cho các dự án đang triển khai, tránh kéo dài thời gian thực hiện khiến chi phí đầu tư tăng lên; bảo đảm vai trò điều phối mạnh mẽ hơn trong xác định các dự án sẽ chuẩn bị; cho phép chuẩn bị sớm về thiết kế dự án, các quy trình phê duyệt của Chính phủ với những dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Đồng thời, các khâu, thủ tục hành chính trong quá trình chuẩn bị và triển khai mỗi dự án cần tiếp tục rà soát, tinh giảm. Đặc biệt, theo WB, nên nghiên cứu sửa đổi Luật Đầu tư công, để góp phần hài hòa hóa quy trình cho các dự án ODA. Cụ thể là sửa đổi theo hướng cho phép Chính phủ linh hoạt hơn trong sử dụng các nguồn vốn vay nước ngoài (tái phân bổ vốn giữa các dự án trong nội bộ và giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau…).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, thời gian qua, nguồn vốn vay nước ngoài cơ bản được sử dụng vào các mục đích phục vụ giao thông, năng lượng, nguồn nước sạch, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo...
Các dự án nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu về mục đích sử dụng nguồn vốn, cung cấp thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước. Các tổ chức quốc tế cũng tích cực đưa ý kiến, góp phần giúp Việt Nam sử dụng có trọng tâm, trọng điểm nguồn vốn vay nước ngoài, qua đó phục vụ hiệu quả quá trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, Việt Nam cần định hướng lại việc sử dụng vốn vay nước ngoài, dù vẫn tiếp tục xác định đây là nguồn vốn quan trọng cùng với nguồn vốn trong nước để phát triển kinh tế - xã hội – ông Nguyễn Đức Hải nhận định.