Từ ngỡ ngàng
Câu chuyện bắt đầu từ sự ngỡ ngàng của cậu học sinh trung học trước những bức tranh la liệt trong nhà một họa sĩ nghèo phố cổ. Ấy là năm 14 tuổi, khi Trần Hậu Tuấn lần đầu tiên được gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái, khi đến chơi với con trai của họa sĩ. Trong căn phòng nhỏ bày kín tranh và tràn ngập màu sắc, “Họa sĩ ngồi vẽ còn lũ trẻ chúng tôi vây quanh, tò mò và… thán phục!... Những cuốn sách ông cho mượn và những bức tranh treo trên tường căn phòng nhỏ của ông, khi ấy là bài học vỡ lòng về hội họa của tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn trân trọng gìn giữ mấy bức tranh nhỏ xíu bằng bàn tay được ông tặng như những bảo vật vô giá”, Trần Hậu Tuấn nhớ lại. Từ ngôi nhà của họa sĩ tài hoa, Trần Hậu Tuấn được biết thêm Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên và nhiều họa sĩ khác. Những năm tháng duyên may gần gũi với các bậc danh họa, được xem tranh của họ đã nuôi dưỡng trong anh một tình yêu với hội họa, để rồi chàng trai trẻ bắt đầu lặng lẽ sưu tầm tranh Bùi Xuân Phái, tìm hiểu về các họa sĩ khác cũng như nền hội họa Việt Nam cận đại. Hành trình ấy đến nay đã gần 40 năm!
“Tôi yêu thích và sưu tầm những tác phẩm tôi thấy đồng cảm, đặc biệt là những họa sĩ tôi may mắn quen biết và có kỷ niệm. Tôi tìm đến họ, xem họ vẽ, trò chuyện và lắng nghe tâm sự của họ, chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn thể hiện qua tác phẩm, những trăn trở, thành công và cả thất bại của người nghệ sĩ. Tôi hiểu họ qua tranh và hiểu tranh qua họ, từ nhu cầu hiểu nội dung đơn giản ban đầu, dần trở thành cảm quan thẩm mỹ”, Trần Hậu Tuấn chia sẻ. Từ những bức tranh đầu tiên sưu tầm năm 1982 có giá 50 - 100 USD, đến nay, gia tài mỹ thuật của Trần Hậu Tuấn lớn dần với hàng ngàn tác phẩm, trở thành một kho tàng khiến nhiều người mơ ước.
Từ bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái ban đầu, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn dần mở rộng ra các tên tuổi lớn khác xuất thân từ Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, rồi đến Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa… Với hội họa Sài Gòn trước 1975, các tác giả Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nguyễn Trọng Khôi được Trần Hậu Tuấn trang trọng bổ sung vào sưu tập, bởi “cuộc hợp lưu của hội họa 2 miền Nam - Bắc đã tiếp thêm động lực cho hành trình” đi tìm giá trị hội họa đích thực Việt Nam. Ông tin rằng, sau thời kỳ đổi mới đã gây tiếng vang trong giới sưu tầm và thưởng ngoạn quốc tế, nay hội họa Việt Nam đang bước vào “một thời kỳ trổ hoa kết trái mới”.
Di sản cho cuộc đời
Hệ thống và chọn lọc từ hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật tại tư gia, Trần Hậu Tuấn vừa ra mắt công chúng yêu nghệ thuật cuốn sách Sưu tập Trần Hậu Tuấn, cuốn thứ 22 do chính ông chấp bút. Ban đầu, cuốn sách dự định có tên Sống với nghệ thuật, nhưng sau đó các trang viết cứ nhiều lên, những gì thuộc cá nhân, buồn vui của cuộc sống trở nên quá nhỏ bé so với những nỗi cô đơn, vất vả mà các nghệ sĩ đã trải qua, cùng sự gợi ý của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, ông đổi tên sách thành Sưu tập Trần Hậu Tuấn.
Nhà sưu tập cho biết, cuốn sách được ông viết đi viết lại trong nhiều năm, với hàng trăm bức tranh và hàng chục tác giả. Ông thấy cần ghi lại những suy nghĩ của mình, những cảm xúc chân thực trước tác phẩm, bởi giờ đây chúng đã tồn tại và sẽ tồn tại như những giá trị vĩnh hằng.
Sưu tập Trần Hậu Tuấn khổ 25 x 30cm, gần 400 trang, được in màu với gần 200 bức tranh, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Sách giới thiệu về phong cách của 20 họa sĩ của 3 giai đoạn: Thời kỳ đầu của hội họa Việt Nam, từ các họa sĩ tài danh Mỹ thuật Đông Dương đến những tên tuổi của giữa thế kỷ 20; hội họa miền Nam giai đoạn 1945 - 1975; hội họa Đổi mới và sau Đổi mới.
Nhà phê bình Nguyễn Quân nhận định: “Sưu tập Trần Hậu Tuấn là kết tủa đời sống nghệ thuật hơn 40 năm của một người tự giác ngộ ra một sứ mạng văn hóa của cá nhân nhìn - thấy - yêu - hiểu hội họa nước nhà. Sưu tập này đã trở thành một địa chỉ văn hóa. Với quy mô hàng trăm tác phẩm, hàng chục tác giả trải suốt trăm năm phát triển của hội họa Việt Nam, với diện tích trưng bày và lưu trữ, lượng ấn phẩm và triển lãm khá đồ sộ, nó thuộc loại lớn nhất đã đành, quan trọng hơn là chất lượng các tác phẩm và tính hệ thống của bộ sưu tập bao gồm đủ các giai đoạn... Tập hợp tác phẩm của một số tác giả từng thời kỳ thuộc hàng đầy đủ và tiêu biểu nhất khiến các bảo tàng về mỹ thuật Việt Nam phải “ganh tị” và giới sử học, phê bình phải quan tâm nghiên cứu. Sưu tập Trần Hậu Tuấn có vẻ đi theo mô hình cổ điển của một Tretyakov Gallery ở Nga và theo tấm gương chưa trọn vẹn của một Đức Minh - Bùi Đình Thản ở Việt Nam”.
Như Trần Hậu Tuấn mong mỏi, chúng ta không thể chỉ trông chờ nỗ lực của bảo tàng quốc gia để lưu lại những thành tựu nghệ thuật quý giá trong quá khứ và hiện tại cho các thế hệ tương lai, mà đây chính là công việc của toàn xã hội, của bất cứ ai có tâm huyết và khả năng sưu tầm. “Tôi mong muốn tình yêu của tôi với nghệ thuật, với cái đẹp được kết tinh trong bộ sưu tập sẽ sống mãi cùng với nền hội họa dân tộc. Khởi đi từ cảm nhận ban đầu với tranh Bùi Xuân Phái, việc sưu tầm tác phẩm hội họa Việt Nam đã trở thành cuộc sống và trách nhiệm của tôi, một trách nhiệm mà tôi tự đặt ra cho mình”, ông nói.