Kỷ lục trên sàn đấu giá quốc tế đủ để minh chứng cho giá trị và trị giá của nghệ thuật hội họa Việt. Nhưng câu chuyện bảo quản - phục chế cũng như đưa tác phẩm hồi hương không phải dễ. Dịp này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng nhà sưu tầm Đạt Phạm (đại diện Phạm - Lê Collection) xung quanh những vấn đề về việc đưa tranh Việt về nước.
- PHÓNG VIÊN: Những năm gần đây, trên sàn đấu giá quốc tế, tranh Việt (đặc biệt là tranh của các thế hệ họa sĩ thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) liên tục lập kỷ lục. Từ góc độ của một nhà sưu tập và nghiên cứu về mỹ thuật, theo anh, điều gì đã khiến những bức tranh Đông Dương này liên tục phá các kỷ lục giá triệu đô?
* Nhà sưu tầm ĐẠT PHẠM: Mỹ thuật Việt Nam trong dòng chảy mỹ thuật Đông Nam Á có một lịch sử rất riêng và được giới chuyên môn đánh giá cao, vì Việt Nam là nước duy nhất có Trường Mỹ Thuật (Fine Arts) được người Pháp thành lập và theo giáo trình hàn lâm của hệ thống trường mỹ thuật Pháp - thời đầu thế kỷ 20 là quy chuẩn của mỹ thuật thế giới.
Với tầm nhìn và tình yêu văn hóa Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, những người thầy của trường đã khuyến khích các thế hệ học trò kết hợp cả văn hóa Á và Âu vào các sáng tác, tạo nên trường phái Hà Nội với những nét rất riêng biệt. Tất cả những nét riêng biệt ấy cộng với tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam chính là những nhân tố gốc tạo nên giá trị của các tác phẩm nghệ thuật của thời kỳ này.
Cũng xin được nói thêm rằng, giá trị của các tác phẩm nghệ thuật Việt thời kỳ này trong nhiều năm chưa phản ánh đúng giá trị lịch sử và nghệ thuật của chúng, đặc biệt là khi đó Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, khi chúng ta có những phát triển kinh tế vượt bậc, xã hội dành sự quan tâm cao hơn tới các giá trị văn hóa tinh thần, thì giá của các tác phẩm nghệ thuật cũng tăng dần theo. Cuối cùng, người Việt Nam chính là những nhà sưu tập chính của mỹ thuật Việt Nam nên khi dân chúng ta giàu lên, nước mạnh lên thì những kỷ lục sẽ vẫn còn tiếp tục bị phá.
- Trong triển lãm Họa duyên tương ngộ khi nhắc về tranh sơn mài của họa sĩ Trần Phúc Duyên, anh có những chia sẻ rất tự hào. Theo anh, tranh sơn mài của họa sĩ Trần Phúc Duyên nói riêng và tranh sơn mài Việt Nam nói chung, có đặc sắc, khác biệt gì so với những quốc gia trong khu vực châu Á?
* Các cây thuộc họ cây sơn không chỉ mọc tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia và Miến Điện…, vì vậy việc dùng mủ của cây sơn cho các ứng dụng như bọc bảo vệ đồ dùng trong nhà và làm trang trí cũng được áp dụng rộng rãi tại các nước này. Với sự ra đời của xưởng sơn mài tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sơn mài đã được nâng tầm từ ngôn ngữ trang trí thuần túy sang ngôn ngữ hội họa và chính điểm này đã tạo nên những vẻ đẹp riêng của sơn mài Việt Nam.
Họa sĩ Trần Phúc Duyên đã dành cả đời mình theo đuổi hoài bão “nâng tầm sơn mài lên ngang hàng với sơn dầu” và ông đã tài tình kết hợp kỹ thuật sơn mài học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tinh thần của phương Đông từ thiền họa và thủy mặc với các vật liệu, chất liệu, cùng với ngôn ngữ hiện đại phương Tây vào trong các tác phẩm của mình. Ông đã tự làm mới mình qua các thời kỳ, chuyển từ sơn mài đồng nhất truyền thống, sang sơn mài sáng, rồi sơn mài thủy mặc và cuối cùng là sơn mài trừu tượng…, và thông qua đó đẩy sơn mài tới những ranh giới tiệm cận với sơn dầu, cho chúng ta thấy được những khả năng tiềm ẩn của sơn mài để tạo thêm được những cung bậc khác của sơn mài - bên cạnh cung “vàng son lộng lẫy” - vốn là đặc trưng lớn nhất của sơn mài Đông Dương.
- Sau triển lãm Họa duyên tương ngộ, Phạm - Lê Collection có tham gia vào triển lãm Mộng Viễn Đông do nhà đấu giá quốc tế Sotheby’s tổ chức tại TPHCM, theo anh, việc mang những tác phẩm mỹ thuật Việt trở lại cố hương có những khó khăn gì?
* Với chúng tôi, việc mang các tác phẩm Việt về cố hương trước hết là nhờ có duyên. Như trường hợp bộ sưu tập của họa sĩ Trần Phúc Duyên tình cờ được chúng tôi phát hiện khi nó đã bị bỏ quên trong căn gác xép tại một tòa lâu đài ở Thụy Sĩ trong suốt 20 năm. Việc đưa các tác phẩm về Việt Nam đòi hỏi nhiều vấn đề về kỹ thuật, nhất là khâu bảo quản. Điều kiện khí hậu nóng ấm, thường xuyên có sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm, nhất là độ ẩm thường cao nên nhiều tác phẩm bị co giãn bề mặt, hoặc nhiễm nấm mốc. Hay tác phẩm được treo trực diện với ánh sáng mà không có kính chống tia cực tím bảo vệ cũng ảnh hưởng rất lớn đến giá trị… nếu điều kiện bảo quản tốt sẽ tránh được sự xuống cấp của các tác phẩm và tránh để các tác phẩm không bị hư hỏng đến mức cần phải can thiệp thông qua quá trình phục chế.
Với những tác phẩm cần được phục chế, trước đây chúng tôi gặp khó khăn để tìm được những chuyên gia phục chế tại Việt Nam, vì ngành phục chế mỹ thuật vẫn còn rất mới mẻ nhất là những chuyên gia phục chế với kiến thức chuyên môn sâu và làm việc theo các quy chuẩn phục chế quốc tế - ví dụ như việc tuân thủ quy tắc đảo ngược trong quá trình phục chế. Nói nôm na ở đây là những thao tác của chuyên gia phục chế có thể được tháo đi khi có một phương án khác tốt hơn mà không ảnh hưởng đến nguyên tác.