Dùng vỉ sắt che tường
Căn nhà số 793/28/1/6/7/1 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7 được xây dựng khá khang trang. Cuối năm 2019, căn nhà liền kề của căn nhà kể trên khởi công xây dựng cao ốc 7 tầng. Ông Bùi Trọng Bình, chủ nhà đối diện công trình xây dựng, nói: “Đến thời điểm này, đơn vị thi công vẫn tổ chức đóng cọc và không làm tường vây. Hậu quả là căn nhà liền kề bị nứt tường, sụt lún. Cơ quan chức năng đã đình chỉ thi công công trình. Đầu năm 2020, chủ công trình là ông Nguyễn Minh Phụng và bà Kiều Oanh đã quây tôn che chắn chung quanh và trên mái, người dân ở đây không biết bên trong chứa gì. Ngày 17-6-2023, một đám cháy dữ dội đã phát ra từ công trình này. Do công trình quây tôn kín, đám cháy được phát hiện chậm và lửa bốc cao dữ dội!”.
Bà Nguyễn Thị Xuân Vy, chủ căn hộ liền kề công trình, cho biết: “Việc thi công công trình khiến bức tường nhà tôi bị nứt vỡ. Chủ đầu tư đã đập bức tường và thay vào đó là một vỉ sắt. Nhà tôi chỉ có lối duy nhất ra ngoài. Từ trên lầu đi xuống là phải qua bức tường đó. Khi xảy ra cháy, chồng tôi đưa tôi và con trai ra ngoài, rồi quay trở vào lấy tư trang. Khi trở ra thì lửa đã táp đỏ cả cầu thang, khói mù mịt. Mặc dù đám cháy được dập tắt, nhưng khói vẫn ủ trong nhà tôi cả chục ngày. Sợ ảnh hưởng đến thai nhi, tôi phải về nhà người thân trú ngụ!”.
Chai lọ nghiêng, đổ
Gia đình bà Xuân Vy vẫn chưa biết căn nhà mình bị hư hỏng nghiêm trọng. Đến một ngày, bà Vy lấy bình dầu ăn trong tủ bếp thì phát hiện các chai, lọ đã đổ nghiêng về hướng bức tường bị nứt, lún. Bà Vy kể: “Đó là cái ngăn chứa gia vị, dầu ăn mới… như cái kho trong tủ bếp. Tôi khá ngạc nhiên về sự nghiêng ngả này. Vài ngày sau, con tôi làm ngã chai nước uống thì chai nước cũng lăn về phía góc tường!”. Chúng tôi đã xác minh việc này. Quả thật là dù không có tác động vật lý nào, nhưng khi đặt chai nước nằm ngang thì chai nước tự lăn một đoạn rất dài. Ngoài hiện tượng nêu trên, tại các tầng lầu của nhà bà Vy còn có nhiều vết nứt trên tường và gần cột…
Bà Xuân Vy đã gửi đơn trình báo đến các cấp chính quyền. Ông Nguyễn Minh Phụng (chủ đầu tư công trình) đã cho thợ dùng xi măng trám trét vết nứt để khắc phục. Gia đình bà Vy không đồng ý với cách khắc phục quá đơn giản, sơ sài như vậy. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết thiệt hại nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Bà Xuân Vy bức xúc cho biết: “Ngoài việc yêu cầu khắc phục thực trạng nứt, lún nhà ở, chúng tôi còn đề nghị chủ đầu tư công trình bồi thường về sức khỏe cho tôi. Bởi lẽ tôi đang mang thai và vụ việc xảy ra rất ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Chúng tôi đã cung cấp hồ sơ khám sức khỏe cho chính quyền địa phương. Tại thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục, tháo dỡ hết rào tôn bao che ở khu đất này. Công trình trên đã bị Thanh tra Sở Xây dựng ra quyết định xử phạt và yêu cầu khắc phục hiện trạng ban đầu. Việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phòng chống trộm cắp của nhà chúng tôi!”.
Liên quan đến việc xây dựng công trình làm hư hại nhà liền kề, luật sư Nghiêm Xuân Lý, Đoàn Luật sư TPHCM, nêu ý kiến: “Với thiệt hại nghiêm trọng như vậy, theo tôi, rất khó tổ chức hòa giải. Chủ nhà bị sụt lún, hư hại tường riêng cần làm đơn gửi tòa án. Trước mắt, chủ nhà cần mời một công ty có chức năng giám định toàn bộ thiệt hại của công trình. Chủ nhà sẽ tốn kinh phí không nhỏ cho việc này, nhưng kết quả giám định sẽ là cơ sở để tòa án xem xét, phân xử, giải quyết. Khi thắng kiện thì bị đơn phải hoàn trả chi phí này cũng như chịu trách nhiệm cụ thể hơn với những sai phạm mà mình gây ra!”.