Nhà sáng lập Tập đoàn TH kiên định thúc đẩy hành lang pháp lý về dinh dưỡng học đường

“Khoa học đã chứng minh, 86% chiều cao của đời người phát triển ở độ tuổi vàng 0 - 12, 14% phát triển trong giai đoạn tới 25 tuổi. Cho nên cần thúc đẩy sự ra đời của các chính sách về dinh dưỡng học đường”, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH nêu ý kiến.

Bền bỉ vì tầm vóc Việt

“Chiều cao của người Việt chưa được như mong đợi. Bản thân tôi chỉ cao 1m50, do thời xưa nhà nghèo và cả xã hội thời đó thiếu thốn thực phẩm, sữa nếu có cũng chỉ dành cho trẻ em và người già. Thế nhưng, các con tôi vẫn rất cao, con trai cả của tôi cao 1m83. Như vậy, về chiều cao, tầm vóc thì sự di truyền là rất ít, mà chiến lược chăm sóc đóng vai trò quan trọng”.

Đó là một trong những chia sẻ chân thành và tâm huyết của bà Thái Hương tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II, chủ đề “Dinh dưỡng học đường”, tổ chức tại Hà Nội ngày 12.10.

Hội nghị do Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đồng tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH. Tham dự là hơn 300 đại biểu, bao gồm các chuyên gia dinh dưỡng và nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, đại diện từ các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế.

Md Thai Huong-rs.jpg
Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH phát biểu tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần 2

Nhìn nhận sâu sắc về vai trò quan trọng của dinh dưỡng với chất lượng giống nòi, sau khi nghe tham luận của các chuyên gia, bà Thái Hương bày tỏ: “Tôi nhớ câu chuyện của GS. Nakamura Teiji, Nhật Bản: để hoàn thành sứ mệnh về dinh dưỡng học đường, Nhật Bản từ năm 1954 đã ban hành Luật Dinh dưỡng học đường và sau 70 năm sau bây giờ thanh niên Nhật không còn thấp còi nữa. Trong khi đó, Việt Nam đang đứng thứ 15 từ dưới lên trên thế giới về chiều cao”.

0X8A7123-rs.jpg
GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhật Bản chia sẻ tại Hội thảo về việc ban hành Luật Dinh dưỡng học đường tại đây từ năm 1954

Theo bà, cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện sứ mệnh của mình để cùng Nhà nước, Chính phủ gánh vác trọng trách về dinh dưỡng học đường.

“Để trẻ em được chăm sóc đầy đủ, cần có những quy định đủ rộng và bao trùm. Hiện đã đủ điều kiện, cơ sở thực tiễn rồi thì chúng ta nên xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường, như Nhật Bản là bao trùm nhất. Luật này quy định về dinh dưỡng và cả hoạt động thể chất, nhân lực, giáo dục dinh dưỡng… Viện Dinh dưỡng (Bộ Y Tế) sẽ là đơn vị chủ chốt trong việc đề xuất những quy định quan trọng này”, bà khẳng định.

“Tôi mong muốn truyền cảm hứng để mọi người thúc đẩy sự ra đời của những hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường. Tôi sẽ kiên định và bền bỉ với hành trình này. Tôi cũng có khát vọng làm một nhà sản xuất thực phẩm tử tế trước hết cho chính người dân Việt Nam rồi mới ra quốc tế”.

(Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập Tập đoàn TH)

Chuyên gia đồng tình: Cần hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường

Đề xuất của bà Thái Hương cũng trùng với quan điểm của các chuyên gia trong nước và quốc tế tới từ Nhật Bản, Mỹ và Hà Lan tại hội thảo.

Thông tin tại hội nghị cho biết, khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12 tuổi, đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người. Chính vì vậy, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em ở giai đoạn này – đặc biệt là dinh dưỡng học đường – đã trở nên cấp thiết, cần được nhận thức đầy đủ để có giải pháp thực thi hiệu quả.

0X8A6985-rs (1).jpg
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế)

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với ba gánh nặng về dinh dưỡng: suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.

Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường.

Trong đó, tăng cường giáo dục dinh dưỡng trong nhà trường, với mục tiêu 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn sẽ tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị vào năm 2025 và phấn đấu đạt tương ứng 90% và 80% vào năm 2030.

“Không có Luật Dinh dưỡng chúng ta cũng có các quy định, tuy nhiên sự thúc đẩy đạt mục tiêu về dinh dưỡng sẽ đòi hỏi thời gian dài hơn. Nhưng khi có hành lang pháp lý đủ mạnh, chúng ta sẽ huy động được các tổ chức, cá nhân, đơn vị cùng tham gia đồng hành, nhờ đó đạt mục tiêu cải thiện dinh dưỡng sớm hơn. Dinh dưỡng còn là chất lượng dân số, là chất lượng giống nòi của dân tộc ta”, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đề xuất.

PGS.TS Thanh Dương cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Các cha mẹ cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình.

“Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em”, PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng.

0X8A7312-rs.jpg
PGS.TS Nguyễn Phương Mai, Tiến sĩ Quản trị đa văn hóa và kinh doanh quốc tế tại Đại học Utrecht, Hà Lan

Một nhà khoa học dinh dưỡng đến từ Hà Lan, PGS.TS Nguyễn Phương Mai, Tiến sĩ Quản trị đa văn hóa và kinh doanh quốc tế tại Đại học Utrecht, Hà Lan, cũng bày tỏ nhận định trước Hội thảo:

“Thứ nhất, bữa ăn học đường là biện pháp hiệu quả trong các nỗ lực xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ trẻ bị thiệt thòi và thu hẹp bất bình đẳng xã hội. Thứ hai, một chương trình dinh dưỡng học đường sẽ có lợi cho tất cả học sinh chứ không chỉ học sinh nghèo, nâng cao hiệu quả học tập, giúp xây dựng nguồn lực trí tuệ của quốc gia trong tương lai gần. Cuối cùng, cần nhắc lại lại chế độ ăn uống những năm niên thiếu có tính dai dẳng, đi cùng trẻ từ tuổi thơ và tạo tiền đề cho thói quen ăn uống trong cả đời”.

Theo PGS.TS Nguyễn Phương Mai, những điều trên nhấn mạnh sự cần thiết của một bộ luật dinh dưỡng học đường.

“Với những can thiệp dinh dưỡng phù hợp, những lợi ích gặt hái được có thể tiết kiệm cho đất nước một khoản ngân sách khổng lồ vốn sẽ bị chi tiêu cho các vấn đề sức khỏe toàn dân và những tổn thất không thể đo đếm về suy giảm năng suất lao động”, PGS.TS Nguyễn Phương Mai cho biết.

Tin cùng chuyên mục