Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng khuyến khích DN thực phẩm tinh giản dòng sản phẩm để giảm hàng tồn kho, giúp các cửa hàng hoạt động hiệu quả hơn, giảm chi phí vận hành và dự trữ.
Theo xu thế này, nhiều công ty thực phẩm đang tích cực đổi mới bằng cách “xóa sổ” những sản phẩm ế ẩm để tập trung vào những mặt hàng bán chạy trong bối cảnh lạm phát kéo dài. Theo một nghiên cứu sản phẩm tiêu dùng của công ty kiểm toán Deloitte, các công ty quyết định “khai tử” một số dòng sản phẩm kém phổ biến để nhường chỗ cho các phiên bản mới của những mặt hàng bán chạy hơn, chẳng hạn như sản phẩm cỡ nhỏ hơn để bán tại các cửa hàng tiện lợi hoặc phiên bản lớn hơn dành cho chuỗi bán lẻ hàng hóa với số lượng lớn. Lý do, khách hàng có túi tiền không rủng rỉnh lắm thường xuyên tìm kiếm các phiên bản có mức giá hời hơn.
Thực tế, theo tiết lộ từ Nestle và Unilever, các công ty này đã tiết kiệm được hàng tỷ USD sau khi loại bỏ những sản phẩm không được nhiều khách hàng ưa thích trong danh mục sản phẩm của mình. Trong đó, Nestle cho biết việc thu hẹp số lượng mặt hàng đã giúp công ty tiết kiệm được 1 tỷ franc Thụy Sĩ vào năm ngoái (1,06 tỷ USD), trong khi Unilever cho biết biện pháp này giúp chi phí hoạt động giảm 2 tỷ USD.