* PHÓNG VIÊN: Năm 2018 có vẻ là một năm bận rộn với Ngô Thanh Vân?
* Nhà sản xuất, diễn viên NGÔ THANH VÂN: Năm 2018 thực sự là một năm đáng giá với tôi cho đến thời điểm này. Điều vui nhất tôi có được là mình tiếp tục được đón nhận và không bị khán giả lãng quên. Những dự án, những kế hoạch, thành công mà tôi gặt hái được cũng là nhờ tình yêu thương và sự tin tưởng mà khán giả dành cho mình.
Song Lang, Hai Phượng… hay những dự án, sự kiện tới đây, đều giúp tôi mỗi giây mỗi phút thấy mình sống ý nghĩa hơn, được cống hiến nhiều hơn cho công việc mà mình đam mê.
* Dù doanh thu của Song Lang không được như mong đợi, nhưng bộ phim đã thật sự tạo ấn tượng về câu chuyện mang đậm văn hóa Việt và cách thể hiện công phu, tâm huyết…
* Với tôi, mang các giá trị văn hóa lên điện ảnh đã là một ước mơ rồi, dù sản phẩm đó có được thị trường đón nhận nồng nhiệt hay không. Đương nhiên nếu có thêm lợi nhuận cho nhà đầu tư thì sẽ vui hơn. Trường hợp của Song Lang là một điển hình thú vị mà tôi và ê kíp của mình khó có thể quên được.
Ngay từ đầu, đây đã là một sản phẩm “đặc biệt” từ nội dung đến cách thể hiện, thế nên khán giả khó có thể tiếp cận và thẩm thấu nhanh được mà cần có thời gian để cảm nhận dần dần. Tuy vậy, Song Lang lại nhận được nhiều lời đề nghị tham gia từ các liên hoan phim (LHP) quốc tế với tinh thần dân tộc và “cái tình” tinh tế mà bộ phim chuyên chở.
Khi thông tin Song Lang được trình chiếu tại LHP Quốc tế Tokyo (TIFF), khán giả tại đây đã vô cùng hứng thú. Họ còn mặc cả áo dài hay kimono để đến tham dự buổi công chiếu phim. Rõ ràng văn hóa Việt là một kho tàng, dễ mở và dễ tìm kiếm nhưng không phải ai cũng có thể nhìn nhận ra được.
Khán giả quốc tế cũng say mê, cũng yêu thích những giá trị văn hóa Việt như chính người Việt vậy. Bởi đó là chiếc cầu nối quá khứ với thực tại, nối những điều bình dị nhất với những điều tinh tế nhất. Và hơn hết, điện ảnh cũng là con đường ngắn nhất để giới thiệu bản sắc dân tộc với bạn bè thế giới.
* Sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh với hình ảnh “đả nữ”, cuối năm nay, Ngô Thanh Vân sẽ trở lại với hình ảnh này trong bộ phim điện ảnh Hai Phượng?
* Từng khoảng thời gian trong cuộc đời mình, tôi đều có kế hoạch và Hai Phượng tất nhiên không nằm ngoài điều đó. Hai Phượng đánh dấu một chặng đường đáng nhớ của tôi sau 12 năm mình được khán giả ưu ái tặng cho danh xưng “đả nữ” khi đóng vai Thúy trong Dòng máu anh hùng.
Từ thời điểm đó, tôi như được tiếp thêm năng lượng để cống hiến và hoàn thành lần lượt những vai trò mà mình mong muốn, như việc tập trung để trở thành một nhà sản xuất phim.
* Hiện nay, để có một phim nghệ thuật đạt doanh thu tốt là hết sức khó khăn. Với va đập thực tế khi là nhà sản xuất phim, chị sẽ giải quyết cái khó này như thế nào?
* Với tôi, dòng phim nghệ thuật không phải là những bộ phim hàn lâm, chở nặng những yếu tố nghệ thuật về một cái gì đó quá vĩ đại hay phô bày một sự vật, hiện tượng quá rõ ràng, vì như thế chẳng khác gì chúng ta làm một bộ phim tài liệu điện ảnh. Một bộ phim chỉn chu, tỉ mỉ mang đến những thước phim đẹp đẽ, ý nghĩa thì đó đã là một bộ phim nghệ thuật rồi.
Ở vai trò của mình, tôi không thể không muốn tác phẩm của mình tròn trịa với hình ảnh và nội dung khúc triết, sắc gọn vì nó tôn lên giá trị của bộ phim. Hơn nữa, điều mà tôi cùng ê kíp của mình có thể làm là mỗi ngày làm tốt hơn và cho khán giả thấy được họ xứng đáng được thưởng thức những điều “nghệ thuật” nhất, hoàn chỉnh nhất.
* Việc chị được mời làm giám khảo tại LHP Quốc tế Hà Nội 2018 mang ý nghĩa thế nào với con đường hoạt động nghệ thuật của chị, chị có bị áp lực không?
* Tôi trân trọng cơ hội được làm giám khảo lần này tại LHP Quốc tế Hà Nội, bởi tôi được cọ xát và học hỏi rất nhiều từ các vị giám khảo khác. Tôi cũng ghi nhận thêm cho mình những ý kiến cũng như góc nhìn của nhiều chuyên gia từ các nước để làm hành trang cho công việc sản xuất phim sau này.
Hơn nữa, tôi nhận được nhiều sự khích lệ cho định hướng làm phim của mình, thế nên dù có áp lực trong công việc, trọng trách mình đang đảm đương, nhưng tôi vẫn thấy vui và thoải mái với cương vị lần này của mình.
* Về những phim tham dự LHP Quốc tế Hà Nội 2018, phim Việt có khoảng cách thế nào so với những phim quốc tế?
* LHP Quốc tế Hà Nội năm nay chào đón nhiều bộ phim đến từ nhiều quốc gia. Các phim tham gia đều đặc sắc và mới mẻ trong cách thể hiện vấn đề. Điều mà tôi thấy thích thú là có những sản phẩm đến từ những đạo diễn trẻ, những ý tưởng mới lạ.
Với tôi, khoảng cách giữa các thị trường điện ảnh đều có vì điều đó phụ thuộc vào môi trường làm phim, nhưng không vì thế mà các nhà làm phim cho phép mình giậm chân tại chỗ và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mỗi thị trường điện ảnh có đặc tính riêng, điều chúng ta có thể làm và làm tốt nhất là học hỏi các nền điện ảnh phát triển để bồi thêm vốn kiến thức cũng như kỹ năng nghề nghiệp của mình.