Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN-MT Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm đối với các tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm.
EPR là một công cụ kinh tế và được xem là một cách tiếp cận mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải, tăng cường tái chế, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.
Theo dự thảo, từ tháng 1-2024, áp dụng trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin ắcquy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì.
Từ tháng 1-2025, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện tái chế. Từ tháng 1-2027, nhà sản xuất, nhập khẩu các phương tiện giao thông phải thực hiện tái chế; trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện tái chế thì phải đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.