Mang âm nhạc Việt ra thế giới
Sau các gameshow, cuộc thi đình đám thời gian trước như The Remix, Sao đại chiến, Khởi đầu ước mơ…, công chúng yêu nhạc đã chú ý đến công việc của nhà sản xuất (NSX) âm nhạc. Gần đây, vị trí này càng được quan tâm nhiều hơn khi một số NSX âm nhạc Việt xuất hiện trên truyền thông thế giới. Theo nhạc sĩ - NSX âm nhạc Dương Khắc Linh, ở Việt Nam vai trò NSX âm nhạc được tôn trọng: “Mỗi khi bài hát được giới thiệu thì nhạc sĩ, NSX âm nhạc cũng được nhắc tên. Ở nước ngoài điều này khá hiếm, người ta chỉ biết ca sĩ và tên bài hát”.
Có thể nói, sau những tên tuổi hàng đầu như Quốc Trung, Đức Trí, Huy Tuấn, Trần Mạnh Tuấn, Dương Khắc Linh, Nguyễn Hải Phong, Hoài Sa…, thế hệ NSX đời cuối 8X, 9X đã thổi những làn gió mới cho âm nhạc Việt. Những cái tên như Hoàng Touliver, Khắc Hưng, Đỗ Hiếu, SlimV, Tiên Cookie, Only C, Addy Trần, Long Halo, Nguyễn Duy Anh, Hứa Kim Tuyền, Phúc Bồ, Masew, Rhymastic… đang chiếm lĩnh thị trường nhạc trẻ hiện nay. Nhiều người trong số họ còn ít về tuổi đời nhưng nắm bắt nhanh xu hướng âm nhạc thế giới, nhạy bén với thị trường nhạc Việt, có nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Một trong những cái tên nổi bật thời gian qua là Khắc Hưng. Anh là nhạc sĩ - NSX Việt Nam được Tạp chí Billboard Mỹ và Nhật Bản nhắc đến với ca khúc Ghen Cô Vy vào tháng 4. Dù tên tuổi lan rộng trên thế giới, vượt ra khỏi mảnh đất chữ S, Khắc Hưng vẫn rất khiêm tốn chia sẻ: “Hưng cảm thấy tự hào. Nhưng nếu bóc tách rõ ràng thì đó là một sản phẩm của tập thể nghệ sĩ, có sự hợp tác của Bộ Y tế. Bài hát ý nghĩa vang lên đúng thời điểm dịch Covid-19 bủa vây đe dọa khắp thế giới. Âm nhạc kéo mọi người lại gần nhau và ca khúc thành công”. Trước Ghen Cô Vy, Khắc Hưng từng tham gia hàng loạt dự án âm nhạc cùng Mỹ Tâm, Thu Phương, Nguyễn Trần Trung Quân, Nguyễn Ngọc Anh, Trọng Hiếu… Thương hiệu Khắc Hưng gắn liền với thành công của nhiều ca sĩ, tạo đà cho họ vụt sáng, vươn ra hoạt động độc lập cùng những ca khúc gây bão với giới trẻ như Erik với Sau tất cả, Min với Yêu, Trọng Hiếu với Bước đến bên em…
Thời gian qua, tôi thấy rõ một điều rằng, để âm nhạc Việt Nam phát triển không chỉ là việc của nghệ sĩ mà còn rất cần vai trò của nhà nước, cần có những hỗ trợ phù hợp, kiến tạo môi trường âm nhạc chuyên nghiệp, mở cửa văn hóa nhiều hơn nữa Nhạc sĩ - NSX âm nhạc Khắc Hưng |
Kiến tạo môi trường âm nhạc chuyên nghiệp
NSX âm nhạc là người chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối làm ra một ca khúc, một album, một chương trình biểu diễn… Trước khi qua bàn tay NSX âm nhạc, có khi bài hát chỉ thuần túy là giai điệu kết hợp ca từ. Sau đó, được họ định hướng đi theo phong cách nào để phù hợp với khả năng của ca sĩ, của thị trường. Có rất nhiều ca sĩ giọng hát không quá nổi bật nhưng qua bàn tay “phù thủy âm nhạc”, các sản phẩm được khán giả biết đến, đón nhận và làm mưa làm gió trên thị trường. Để có thể sáng tác, làm nhạc độc lập, nhưng vẫn cân bằng được thị hiếu khán giả, nhạc sĩ - NSX âm nhạc Dương Khắc Linh cho rằng, không nên chạy theo thị hiếu mà phải tạo ra “style riêng”, khiến khán giả theo mình. “Mỗi người sẽ có một gu riêng. Tôi nghĩ, bản thân người làm nhạc phải làm cái mình thích trước, rồi nếu khán giả thích thì biết đã đi đúng đường và cứ vậy mà làm thôi”, anh nói.
Dương Khắc Linh cho rằng, để trở thành NSX âm nhạc thì ngoài năng khiếu còn phải được đào tạo bài bản về âm nhạc, nắm rõ các phần mềm để hòa âm phối khí, hiểu rõ thị trường... Còn theo Khắc Hưng, bên cạnh yếu tố năng khiếu là sự nhạy cảm trong âm nhạc và nắm bắt thị trường. “Phải nhìn được xu hướng âm nhạc, khai thác được thế mạnh của ca sĩ, chọn dòng nhạc, chọn tác phẩm phù hợp với khả năng của họ. Và đặc biệt, phải làm việc trọn vẹn, tâm huyết. NSX âm nhạc không chạy theo thị trường mà cần tạo ra xu hướng”, Khắc Hưng chia sẻ.
Những thách thức trong ngành sản xuất âm nhạc thời gian qua là công tác đào tạo, hành trình kiến tạo môi trường âm nhạc chuyên nghiệp. Những NSX như Quốc Trung, Đức Trí, Huy Tuấn, Trần Mạnh Tuấn, Dương Khắc Linh, Nguyễn Hải Phong… đều từng học ở những trường nghệ thuật nổi tiếng ở nước ngoài, chịu khó đầu tư, do đó họ có nền tảng kiến thức và chuyên môn vững chắc. Còn nhiều NSX trẻ hiện nay có thể học âm nhạc từ nhạc viện, thậm chí tự học và sau đó tự tìm tòi con đường phát triển riêng. Họ vẫn có những sản phẩm hay, chất lượng, thu hút. Tuy nhiên, về lâu dài, việc các trường nghệ thuật ở Việt Nam đang thiếu chương trình đào tạo chuyên sâu về ngành nghề này là một lỗ hổng lớn.
PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, nhà nghiên cứu - lý luận âm nhạc, đánh giá cao vị trí của NSX âm nhạc vì đây là những người có tầm ảnh hưởng quan trọng, góp phần tạo nên những giá trị nhất định đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của đại chúng. Bà cũng cho biết, cách đây hơn 20 năm, khi ra nước ngoài đã thấy sản xuất âm nhạc là nghề phổ biến và là một chuyên ngành được coi trọng, đào tạo bài bản ở các trường nghệ thuật. “NSX âm nhạc là “bà đỡ” của tác phẩm. Việc chưa có chuyên ngành đào tạo khiến ngành nghề này đang làm theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, không ít tác phẩm tập trung chạy theo thị hiếu âm nhạc thị trường đơn thuần. Nhưng làm văn hóa không chỉ dừng lại ở đó. Do vậy, thời gian tới, rất cần có chuyên ngành này tại các trường nghệ thuật để đào tạo bài bản, có hệ thống”, bà Liêm nhận định.