Nhà sách truyền thống: Chuyển mình để tồn tại

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt nhà sách truyền thống được nâng cấp hoặc khai trương, điều này cho thấy nhà sách truyền thống vẫn đang giữ một vị thế quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều vấn đề cũng đang đặt ra cho kênh phát hành này trong việc chinh phục bạn đọc.

Khách hàng tìm mua sách tại Nhà sách Fahasa Ba Tháng Hai, TPHCM
Khách hàng tìm mua sách tại Nhà sách Fahasa Ba Tháng Hai, TPHCM

Nhà sách mới liên tục ra mắt

Mới đây, Công ty CP Văn hóa - Thương mại Bình Dương đã khai trương Nhà sách Fabico - thành viên thuộc hệ thống Nhà sách Fafasa (Công ty phát hành sách TPHCM) tại Trung tâm thương mại Parc Mall (547-549 Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8, TPHCM). Trước đó, Công ty CP Văn hóa Phương Nam liên tiếp khai trương Nhà sách Phương Nam - Hoàng Việt (quận Tân Bình, TPHCM) và Nhà sách Phương Nam - Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Sau Hà Nội, nhà sách theo mô hình “4 trong 1” với tên gọi Read Station (Trạm Đọc) vừa được Công ty sách Alpha Books khai trương vào đầu tháng 9 tại số 311 Nguyễn Thái Bình (phường 12, quận Tân Bình, TPHCM). Đây là cơ sở thứ 3 được ra mắt sau cơ sở đầu tiên tại đường Huỳnh Thúc Kháng nối dài (quận Đống Đa, Hà Nội) và cơ sở thứ 2 tại đường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cũng vừa được khai trương trong tháng 9 này.

Từ đầu năm đến nay, Fahasa tổ chức khai trương mới và khai trương tái cơ cấu với tổng số 14 nhà sách tại nhiều địa phương trên cả nước như Cái Bè (Tiền Giang), Huế, Quảng Ngãi, TPHCM… Thậm chí, chỉ trong ngày 9-8, Fahasa tổ chức khai trương cùng lúc 2 nhà sách là Nhà sách Fahasa Ba Tháng Hai (Trung tâm thương mại Vincom Plaza Ba Tháng Hai, quận 10, TPHCM) và Nhà sách Fahasa Hùng Vương (Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza, quận 5, TPHCM). Fahasa hiện vẫn là hệ thống nhà sách lớn nhất cả nước với 120 nhà sách tại 47 tỉnh, thành.

Thực tế cho thấy, dù thương mại điện tử đang là xu hướng, nhưng không ít người vẫn chọn nhà sách truyền thống như một điểm đến yêu thích. “Tôi thích đi nhà sách vì rất cần những chỗ ngồi đọc để tìm hiểu kỹ cuốn sách trước khi mua, bởi giá sách hiện tại không phải rẻ. Trong khi đó, nếu mua qua kênh thương mại điện tử, chỉ nghe giới thiệu, đôi khi nhận sách mới thấy nội dung không phù hợp”, chị Minh Anh (ngụ quận 1, TPHCM) cho biết.

Đa dạng hoạt động, trải nghiệm

Trạm Đọc là mô hình tích hợp “4 trong 1” bao gồm: nhà sách, cà phê, thư viện và không gian chia sẻ tri thức, văn hóa. Đây là ý tưởng được ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books cùng cộng sự đặt nhiều tâm huyết và kỳ vọng. Theo ông Bình, nhà sách truyền thống về cơ bản vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng không thể mở rộng quy mô như trước đây, thay vào đó sẽ hình thành nên các không gian văn hóa. “Chúng tôi muốn hình thành và phát triển hệ thống nhà sách là những không gian văn hóa, giáo dục, học tập. Tất cả dựa trên lợi thế về sách mà những đơn vị xuất bản đang có”, ông Nguyễn Cảnh Bình cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Cảnh Bình, tại Trạm Đọc sẽ phát hành Membership, ngoài quyền lợi đọc và mua sách giảm giá, các thành viên sẽ có thêm quyền truy cập vào nguồn tri thức quý báu từ các kho dữ liệu lớn trên thế giới. “Đây là một nhu cầu thiết thực, bởi hiện nay công nghệ số đã phát triển rất mạnh, chúng ta không thể chỉ đọc mỗi sách giấy không thôi”, ông Bình nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Hóa, Phó Tổng Giám đốc Fahasa, thừa nhận sự cạnh tranh giữa nhà sách truyền thống với các kênh thương mại điện tử hiện nay. Tuy nhiên, theo bà Hóa, đối với Fahasa, mô hình nhà sách truyền thống vẫn có sự tăng trưởng tốt. Hiện ở các nhà sách Fahasa, ngoài sách ra còn có thêm những sản phẩm để bắt kịp nhu cầu của giới trẻ như các sản phẩm theo trend (trào lưu), hay phục vụ cho các mùa vụ, lễ hội trong năm. Chính vì vậy, dù diện tích trưng bày dành cho sách giảm 5% so với trước, nhưng tổng doanh thu từ sách trong những năm gần đây không bị giảm.

Đề cập đến giải pháp, bà Phạm Thị Hóa cho biết: “Trong thời gian qua, để thích ứng với xu thế mới, chúng tôi đã từng bước chuyển mình, từ việc liên tục nâng cấp để các nhà sách hiện đại, chuyên nghiệp hơn; đào tạo đội ngũ nhân viên có thái độ phục vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn; đến chọn lọc những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đang có xu hướng trên thị trường, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng”.

“Nhà sách không chỉ là nơi bán sách mà còn là điểm đến văn hóa, trong đó mọi người sẽ có thêm kiến thức, có thêm nhiều cảm hứng trong cuộc sống. Bản thân tôi và những người làm công việc xuất bản sẽ phải nỗ lực để mang tới những đầu sách tốt, có giá trị, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả đọc của người dân. Rất mong ngành xuất bản sẽ tiếp tục có những cuốn sách hay, hấp dẫn, bởi đó chính là một trong những nhân tố thu hút bạn đọc đến với nhà sách, cũng như giúp việc phát hành tại các nhà sách có hiệu quả cao”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh,

CEO Saigon Books, chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục