
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết "Net Zero Carbon", việc phát triển giải pháp nhà ở bền vững, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon đang trở nên cấp thiết. Mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030 cần phải gắn với xây dựng và chuyển đổi mô hình sang hướng bền vững hơn.
Theo các chuyên gia, nhà ở xã hội xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội đầu tư lâu dài và có lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức trong cân bằng giữa chi phí đầu tư, lợi nhuận và tính bền vững.
Mặc dù Bộ Xây dựng đã nâng mức lợi nhuận tối đa cho các dự án nhà ở xã hội từ 10% lên 12%, nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn cho các nhà đầu tư, nhưng yếu tố xanh luôn đi kèm với việc tăng chi phí, khiến các chủ đầu tư lo ngại khi xem xét đến mô hình mới này.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, giải pháp công nghệ xây dựng bền vững và đòn bẩy tài chính sẽ giúp chủ đầu tư tối ưu hóa chi phí, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần thiết phải có quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế nhà ở phát thải carbon thấp, tìm kiếm các giải pháp công nghệ và sự hợp tác quốc tế.